Trần Quang Hiếu và Trần Tấn Phúc là hai kiến trúc sư của công ty Librazzi, một đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp tư vấn, thiết kế kiến trúc – quy hoạch với định hướng cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư và cộng đồng.
Hiện sau khi các chợ đầu mối và một nửa chợ truyền thống phải đóng cửa vì phòng dịch, áp lực đang đổ dồn vào các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi. Chia sẻ nghiên cứu của mình với VnExpress, hai chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đó, ngoài giao hàng online, vẫn cần thêm những giải pháp phù hợp nhu cầu, thói quen của người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn chống dịch.
"Từ kinh nghiệm của các nước, có thể thiết kế và tổ chức những không gian như đường phố, công viên, không gian công cộng... đang bỏ trống trở thành giải pháp cho mắt xích cuối của chuỗi cung ứng thực phẩm", nhóm kiến trúc sư nêu. Ý tưởng này có thể giúp duy trì một phần việc làm cho người dân, tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian giãn cách xã hội.
Thực tế, đây là ý tưởng không mới, đã có tiền lệ để học hỏi. Kể từ giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài vào năm ngoái, các nước đã đề xuất đưa các hoạt động trong nhà ra ngoài trời để hạn chế lây lan virus.
Với các nước phương Tây, mô hình chợ nông dân ngoài trời (farmers’s market, người nông dân tự chở nông sản từ ngoại ô vào thành phố để bán ở chợ tạm vào cuối tuần) được nâng cấp với các tiêu chuẩn vệ sinh, giữ khoảng cách nghiêm ngặt. Hàng hóa có thể được gói và niêm yết giá sẵn để người mua lựa chọn thật nhanh và hạn chế tiếp xúc.
Phát biểu với kênh truyền thông Whyy tháng 4 năm ngoái, Yvonne Michael, Giáo sư dịch tễ học của Drexel University School of Public Health, cho biết: "Đi chợ nông dân có thể an toàn hơn đối với virus là vì bạn được ở ngoài trời, có không khí trong lành luân chuyển".
Trong bài viết trên New York Times, giáo sư Marty Makary - chuyên về chính sách y tế của trường Johns Hopkins School of Public Health khẳng định "các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động ngoài trời với khoảng cách thích hợp sẽ có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn so với ở trong nhà".
Ở các nước đang phát triển, giải pháp lại vô cùng đơn giản và gần gũi vì chợ đã là một nếp văn hóa. Bắt đầu từ Myanmar, và được Indonesia, Cambodia học theo. Họ mang ra đường phố, các lô bán hàng được định vị rõ ràng bằng vạch sơn để đảm bảo khoảng cách.
Tiến thêm một bước là mô hình mang tên Hyperlocal Micromarkets của công ty kiến trúc và đô thị Shift (Hà Lan), đã gây được tiếng vang vào mùa hè năm ngoái. Shift đề nghị thay vì các chợ hay siêu thị tập trung, chỉ cần tổ chức họp chợ ở quy mô nhỏ vài quầy ở từng khu phố, tránh người dân di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Tuy nhiên, đề xuất chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu.
Đối chiếu các mô hình này với TP HCM, nhóm kiến trúc sư cho rằng việc triển khai là không quá khó khăn. "Có thể đóng cửa (1 chiều hay 2 chiều) và tổ chức lại giao thông một tuyến đường trong từng khu phố với tiêu chí lưu lượng xe ít, có nhiều bóng râm, không ảnh hưởng giao thông vùng, để tổ chức các chợ phân tán cho từng khu phố", nhóm chuyên gia nói.
Bước tiếp theo, mỗi điểm có thể tối thiểu chỉ cần 3-4 tiểu thương bán các mặt hàng thịt cá, rau củ quả, nhu yếu phẩm, thức ăn chế biến sẵn. Vị trí quầy hàng phải được đánh dấu rõ ràng, đảm bảo khoảng cách y tế.
Tiểu thương có thể phân phối từ chợ đang hoạt động hay từ chợ tự phát truyền thống đã bị đóng cửa. Tiểu thương phải đăng ký và chỉ được bán ở khu phố trong suốt thời gian giãn cách, hạn chế luân chuyển.
Theo ông Hiếu và ông Phúc, nên tổ chức chợ trên phố từ sáng đến chiều, tránh việc tập trung đông người cùng thời điểm. Giới hạn số người vào chợ cùng lúc để đảm bảo an toàn. Có thể ứng dụng việc mua hàng trước bằng cách gọi điện hay app và chỉ đến lấy. Nên khuyến khích đi bộ và không cần tổ chức giữ xe. Buổi tối cần thu dọn để tránh tụ tập khó quản lý.
"Người dân cần được hướng dẫn để ưu tiên đi chợ trong khu phố của mình, có thể bằng cách kèm theo các ưu đãi, khuyến mãi. Tuyệt đối tuân thủ nghiêm túc 5K, xếp hàng trật tự bắt buộc theo dấu có sẵn được dán trên sàn", hai vị này nói.
Ở một số nước từng áp dụng, giải pháp mang chợ ra đường cũng dần "tiến hóa" sau thời kỳ giãn cách, nếu được cộng đồng địa phương đó chấp nhận. Đó có thể là dịch vụ giao nhận, làn chạy cho xe đạp, sân chơi trẻ em, chỗ ngồi ăn uống bên đường... là không gian công cộng nói chung. "Thú vị là sau khi dịch bệnh dần qua đi, nhiều hoạt động ở các tuyến đường đang được vận động để từ tạm thời trở thành lâu dài, biến đường phố thành nơi đáng sống", nhóm nghiên cứu nói.
Trong thời kỳ giãn cách, Milan đã hoàn thiện thêm 35 km làn xe đạp trong thành phố. Với Paris, 50km đường xe đạp từ tạm thời đã trở thành chính thức, và đang mở rộng thêm. Bắt đầu từ việc hạn chế xe ra vào nhiều con đường để tạo không gian công cộng tạm thời trong mùa dịch, chương trình "open street "của New York đã chính thức biến 134 km đường phố thành khu vực ưu tiên người đi bộ. Và hãy thử tưởng tượng TP HCM không chỉ có phố đi bộ Nguyễn Huệ mà mỗi khu phố đều có một không gian công cộng trên đường phố của riêng mình.
Nhóm chuyên gia cho rằng, với TP HCM, đây cũng có thể là cơ hội để tái định hướng và tái cấu trúc hệ thống chuỗi cung ứng theo hướng giảm thiểu tác động đến môi trường, bền vững hơn và nhiều lựa chọn hơn.
Những năm vừa qua, mọi người đã quá quen với việc lạm dụng những ưu đãi và khuyến mãi từ dịch vụ giao hàng ngang dọc khắp thành phố, tạo áp lực giao thông và lượng khí thải không cần thiết lên toàn đô thị. Năm 2020, chính tinh thần cộng đồng địa phương (neighborhood), tinh thần của 15-minute city (thành phố mà mọi dịch vụ cơ bản của người dân có thể đạt được trong vòng 15 phút đi bộ hoặc đạp xe, không cần xe cơ giới) đã được toàn thế giới nhắc đến như một giải pháp tổng thể để giải quyết các vấn đề đô thị.
"Quan trọng nhất, mô hình chợ trên đường phố có thể giúp đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho người dân thành phố, điều vô cùng quan trọng trong mùa dịch. Mô hình còn giúp phát huy nguồn lực của xã hội, tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế từ tiểu thương, người dân lao động,... có cơ sở để tái khởi động lại cuộc sống, để không ai bị bỏ lại phía sau như chúng ta luôn mong muốn", hai chuyên gia nói.