“Mở cửa” cho thuốc lá thế hệ mới: Cần một giải pháp thận trọng và toàn diện

(khoahocdoisong.vn) - Theo số liệu của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên năm 2015 chỉ 1,1% nhưng đến năm 2019 đã tăng nhanh lên 2,6%. Tuy nhiên, đến nay tại Việt Nam chưa có bất kỳ công ty nào được phép nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, cũng như khung pháp lý để quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử và chế tài xử phạt sản phẩm nhập lậu. Điều này đã khiến cơ quan quản lý lúng túng khi thu giữ và xử lý sản phẩm nhập lậu.

Hiện nay, chỉ có khái niệm về thuốc lá và chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm, hàng nhập lậu. Còn thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới chưa nằm trong khái niệm “sản phẩm thuốc lá”. Do chưa có cơ chế quản lý, nên thuốc lá điện tử khi bị bắt thì chỉ xử phạt hành chính, tịch thu tang vật trong khi buôn lậu thuốc lá điếu trên 500 bao có thể cấu thành tội hình sự kèm tước giấy phép kinh doanh thuốc lá có thời hạn. Vì lỗ hổng này, những năm gần đây buôn lậu thuốc lá điện tử tăng nhanh bởi lợi nhuận hấp dẫn, thách thức công khai cơ quan quản lý.

Việt Nam chưa có khung pháp lý để quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử và chế tài xử phạt sản phẩm nhập lậu, khiến cơ quan quản lý lúng túng khi thu giữ và xử lý sản phẩm nhập lậu.

Việt Nam chưa có khung pháp lý để quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử và chế tài xử phạt sản phẩm nhập lậu, khiến cơ quan quản lý lúng túng khi thu giữ và xử lý sản phẩm nhập lậu.

Sự xuất hiện của mặt hàng này có liên quan trực tiếp tới hệ thống pháp luật hiện hành về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như đặt ra yêu cầu phải có biện pháp để quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, lập lại trật tự quản lý nhà nước. Vậy nên cấm hoàn toàn, đánh thuế để quản lý, hay cho phép thí điểm trước để có chính sách phù hợp?

Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, trong bối cảnh hàng nhập lậu đang tăng nhanh trên thị trường nhưng các cơ quan chức năng chưa có hướng xử lý vì thiếu vắng các chính sách quản lý. Trong khi đó, Bộ Y tế duy trì quan điểm nên cấm dòng sản phẩm này. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đang xem xét xây dựng tiêu chí kỹ thuật đối với thuốc lá thế hệ mới. Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, việc cấm dòng sản phẩm này là không khả thi bởi Luật Đầu tư 2020 có quy định có 8 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, trong số này không có ngành nghề kinh doanh thuốc lá. Dẫu biết thuốc lá không có lợi cho sức khỏe của con người, nhưng đây là nhu cầu thực tế của người trưởng thành, nếu chặn đứng nguồn cung chính thức, hợp pháp trong nước, người tiêu dùng sẽ tìm đến các nguồn cung bất hợp pháp, tạo thêm cơ hội cho các nguồn hàng lậu, và việc cấm cũng là vi phạm luật.

Bà Phan Minh Thủy, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc đưa ra chính sách nào cũng cần nghiên cứu rất kỹ và có các giải pháp toàn diện về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho đến quy định về kinh doanh như sản xuất, phân phối, tiêu thụ, đầu tư, mua bán nguyên liệu, những quy định về quảng cáo, quy định về thuế, biện pháp xử lý vi phạm cần được xem xét một cách tổng thể.

Còn theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, trước mắt để kịp thời xử lý thuốc lá thế hệ mới bất hợp pháp, Chính phủ có thể xem xét cho áp dụng chung các quy định xử phạt như thuốc lá điếu truyền thống nhập lậu trong khi chờ ban hành chính sách quản lý riêng cho cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử. Song song đó, chúng ta có thể dành hẳn ra ít nhất 1 năm để soạn thảo tiêu chí kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, cũng như các loại hình thuốc lá thế hệ mới khác đã xuất hiện trên thế giới và nay mai cũng sẽ sớm du nhập vào Việt Nam… 

Theo Đời sống
back to top