Dù là một trong những bệnh phổ biến, có thể tự điều trị tại nhà, nhưng năm nào tiêu chảy cũng có tên trong danh sách 10 bệnh nguy hiểm của Tổ chức Y tế Thế giới. Thống kê của WHO cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 3 đến 5 triệu người mắc tiêu chảy, trong đó có 100.000 đến 120.000 người tử vong.
Theo các chuyên gia, đây là nghịch lý, xuất phát từ sự chủ quan trong phòng tránh và điều trị của mọi người.
Bệnh tiêu chảy phát sinh nhanh vào mùa hè
Ở Việt Nam, tiêu chảy diễn ra quanh năm, nhưng tập trung vào mùa hè, chủ yếu do ăn phải thức ăn ôi thiu, nhiễm mầm bệnh. Theo WHO, trung bình, mỗi năm có khoảng 2 triệu lượt người bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Chi phí điều trị cho số lượng bệnh nhân này lên đến 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Sử dụng thức ăn ôi thiu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tiêu chảy.
Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh tiêu chảy. Mùa hè, các bệnh viện nhi ở Việt Nam thường đón nhận số ca trẻ em mắc tiêu chảy khá cao.
Cách phòng chống bệnh tiêu chảy
Để phòng ngừa tiêu chảy tấn công trong mùa hè, WHO khuyến cáo các bà nội trợ nên bỏ túi những bí quyết bảo quản thực phẩm.
Trước hết, bạn cần chọn nguồn nguyên liệu sạch, tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời sử dụng nước sạch khi chế biến, nấu nướng. Giữ vệ sinh trong các khâu từ chế biến đến nấu nướng và bảo quản cũng giúp hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.
Sử dụng thức ăn ôi thiu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tiêu chảy.
Thức ăn cần được nấu chín kỹ, nhất là đối với các loại thịt, gia cầm, hải sản. Đồ ăn thừa sau khi bảo quản cần hâm nóng, đun lại trước khi dùng.
Bà nội trợ cũng cần tách biệt thức ăn chín và sống khi bảo quản tránh lây nhiễm chéo từ thịt sống sang thức ăn chín gây tiêu chảy. Với thức ăn chín, trước khi bảo quản, bạn nên nấu chín ở nhiệt độ trên 60 độ C. Thực phẩm tươi sống cần được bảo quản ở âm 5 độ C để vi khuẩn không có điều kiện phát sinh.
Lưu ý khi chăm người bệnh tiêu chảy
Bên cạnh việc phòng tránh, mỗi người cũng cần trang bị kiến thức, cách chăm sóc và xử lý khi mắc bệnh.
Khi bi tiêu chảy, cơ thể rất dễ mất nước, nếu không được bù nước sẽ dẫn đến rối loạn điện giải, gây biến chứng nguy hiểm. Do đó, cung cấp đủ nước là điều rất cần thiết. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiêu chảy cũng khá quan trọng, tránh kiêng khem quá mức làm cơ thể suy kiệt, khiến bệnh lâu khỏi.
Bệnh nhân tiêu chảy vẫn cần ăn đủ chất và năng lượng: đạm, khoáng chất, vitamin… từ thịt, cá, trứng, đậu với những bữa ăn được chia nhỏ. Thực phẩm dành cho người bệnh cần nấu kỹ, mềm, loãng hơn bình thường và ăn ngay để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Ngoài ra, người bệnh có thể bổ sung thêm các loại quả chín hoặc nước quả chín như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ…để tăng lượng kali cần thiết cho cơ thể.
Tiêu chảy có thể tự điều trị tại nhà, nhưng, bạn không được sử dụng kháng sinh tùy ý vì chúng chỉ diệt được vi khuẩn, trong khi tiêu chảy có thể do virus rota gây ra. Bên cạnh đó, kháng sinh ngoài tiêu diệt hại khuẩn còn tiêu diệt cả lợi khuẩn nên dễ làm mất cân bằng hệ sinh thái của ruột, dẫn đến tiêu chảy kéo dài.
Ngoài ra, người bị tiêu chảy không nên tự ý sử dụng thuốc và các phương pháp cầm tiêu chảy nhanh bởi trong một số trường hợp, phân không tống ra ngoài sẽ nằm lại trong ruột, dễ dẫn đến tắc, viêm ruột, loét ruột… khiến bệnh trầm trọng hơn.
Theo Huyền Anh (Vnexpress.net)