Tôi là con gái cả của mẹ, lập gia đình ở gần nhà mẹ. Mẹ tôi ở một mình, bố tôi mất được 5 năm. Tính mẹ tôi thích giao lưu, ưa đi đây đó gặp gỡ mọi người. Mấy năm nay do tuổi cao, sức yếu nên mẹ tôi chỉ hay đi chùa gần nhà và sinh hoạt Hội người cao tuổi trong xóm.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như không xảy ra việc mẹ con xung khắc vì chuyện mẹ tôi nghe theo lời quảng cáo của một số nhóm người về các loại “thần dược” chữa bách bệnh. Lúc là loại nước bổ dưỡng, khi là vài miếng cao sâm, lúc cái vòng, rồi chiếu nằm điều hòa huyết áp… Bà rút hết tiền tiết kiệm ra để mua. Thứ nào cũng đều tiền triệu cả.
Bực mình quá tôi can ngăn. Mẹ tôi bảo: Đã không chăm sóc mẹ được, tiền cũng chả phải của mình mà nói này nọ. Không biết thương mẹ, muốn mẹ bệnh, mẹ chết hay sao? Và rồi bà giận tôi luôn. Tôi không biết làm sao để mẹ tôi không sa đà tin vào mấy thứ vô tác dụng đó nữa?
Mẹ con xung khắc về việc này thật buồn quá.
Nguyễn Phương Thúy (Hà Nội)
Mẹ mắng tôi tiếc tiền không biết thương mẹ. Ảnh minh họa – internet.
Chị Thúy thân, người già thường có nhiều bệnh. Mà có bệnh thì vái tứ phương. Trong khi sự tiếp cận thông tin lại hạn chế. Tâm lý thì dễ tin người… cho nên họ dễ bị những kẻ xấu lừa gạt, trục lợi.
Tuy nhiên, trong lý do khiến mẹ chị giận chị không hẳn chỉ là việc bị chị ngăn cản, không cho mua những loại “thần dược”, mà còn có chi tiết đáng lưu ý là “đã không chăm sóc mẹ được, tiền cũng chả phải của mình”. Vậy, chị hãy thử ngẫm, liệu đối với mẹ, chị đã làm tròn trách nhiệm của một người con, phụng dưỡng, quan tâm tới bà chu đáo hay chưa?
Để tránh mẹ vung tiền vào những sản phẩm đó, chị nên hỏi han mẹ về tình hình sức khỏe. Xem bà gặp vấn đề gì thì đưa đi bác sĩ, nghe họ tư vấn. Đồng thời là sự chăm sóc về miếng ăn, giấc ngủ, tâm tư trong lòng…
Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo từ những tổ chức chào mời “thần dược”, chị có thể báo các cơ quan chức năng. Chúc mối quan hệ giữa chị với mẹ sớm tốt đẹp!
Tri Giao