Ngân hàng sữa mẹ đã nhận hơn 2.000 lít sữa hiến tặng. |
Hành trình người mẹ tìm chỗ hiến sữa
Ngày 12/11, Bệnh viện Từ Dũ đã tổng kết 6 tháng hoạt động Ngân hàng sữa mẹ và tôn vinh những người mẹ hiến sữa.
Chị Đỗ Phượng Quyên, người đã hiến kỷ lục với 172 lít sữa tâm sự: “Từ khi sinh con, tủ trữ đông ở nhà tôi luôn đầy chặt các túi sữa. Khi biết có Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ, tôi đã không ngần ngại hiến sữa và vận động bạn của mình cùng hiến chỉ với suy nghĩ, con mình bú không hết, sữa đó có thể giúp ích được cho những đứa trẻ khác. Một người mẹ có thể chỉ sinh một đứa con nhưng với dòng sữa của mình có thể được làm mẹ của hàng chục đứa con khác”.
Chị Đỗ Phượng Quyên và Nguyễn Thanh Tâm - 2 người mẹ hiến nhiều sữa nhất |
Được chính thức khai trương từ ngày 10/4/2019, Ngân hàng sữa mẹ ra đời từ sự hỗ trợ của sáng kiến Alive and Thrive và quỹ Irish Aid (Ireland). Các quy trình của Ngân hàng sữa mẹ được xây dựng dựa trên các hướng dẫn của Anh quốc và Hiệp hội Ngân hàng sữa mẹ Bắc Mỹ. Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ được đánh giá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á về cơ sở vật chất và công suất. Sau 6 tháng hoạt động, Ngân hàng sữa mẹ đã vận động được 135 bà mẹ hiến tặng sữa với tổng số 2.056 lít sữa mẹ. Đã có 120 bà mẹ đã được nhận sữa từ Ngân hàng này, trong đó có 42 bà mẹ có con sinh non đang điều trị tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ và 78 bà mẹ ở cộng đồng.
Tôn vinh những bà mẹ đã hiến sữa cho Ngân hàng |
Tổng cộng có 2.768 trẻ sơ sinh đã được dùng sữa mẹ thanh trùng, trong đó có 1609 trẻ sơ sinh bệnh nặng. Có 25 trường hợp được sử dụng miễn phí vì gia đình nghèo, mẹ bệnh nặng hoặc mẹ tử vong, trong đó có 1 trường hợp mẹ là người Campuchia, gia đình khó khăn.
BS.CK II Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM cho biết: “Ngân hàng sữa mẹ đã giúp cứu sống nhiều trẻ sinh non. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cực non và non tháng của khoa đã được cải thiện từ khi tất các trẻ sơ sinh sinh non được sử dụng sữa mẹ ruột hoặc sữa mẹ thanh trùng. Tỷ lệ tử vong của nhóm trẻ cực non dưới 28 tuần tuổi thai đã giảm được khoảng 20% so với trước khi có Ngân hàng sữa mẹ”.