Biến chứng mắt
PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa cho biết, bệnh võng mạc đái tháo đường có thể phát triển trong bất cứ ai có bệnh đái tháo đường type 1 hay type 2. Khi bị đái tháo đường, kiểm soát đường máu kém thường đưa đến căn bệnh võng mạc. Đái tháo đường tác động vào những mạch máu của lớp thần kinh mắt (võng mạc) một cách âm thầm. Giai đoạn sớm nhất, động mạch trên võng mạc trở nên yếu và giòn, dễ vỡ tạo thành những đốm xuất huyết nhỏ dạng chấm. Những mạch máu bị hư hại này làm cho võng mạc sưng phồng và dày lên, gây giảm thị lực.
Kế tiếp là giai đoạn tăng sinh, những biến đổi ở những mạch máu nhỏ ở võng mạc càng làm thiếu oxy và thiếu máu, kích thích tăng sinh các mạch máu mới để bù đắp sự thiếu hụt oxy của võng mạc. Các mạch máu này rất dễ vỡ. Khi vỡ thành mạch, máu có thể chảy vào võng mạc và dịch kính gây ra hiện tượng ruồi bay hay mạng nhện trước mắt sau đó là giảm thị lực. Thị lực bị giảm do bệnh võng mạc đái tháo đường thường khó phục hồi.
Biến chứng mắt của bệnh nhân đái tháo đường diễn ra qua nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn bệnh võng mạc không tăng sinh hay tăng sinh thì đa số bệnh nhân đều không thấy bất cứ triệu chứng gì về mắt cho đến khi đột nhiên bị mất thị lực. Khi đó dù có được điều trị rất tích cực và tốn kém thì khả năng bảo tồn được thị lực là nhỏ, phần lớn các bệnh nhân sẽ bị mù vĩnh viễn. Chính vì vậy các bệnh nhân đái tháo đường cần đi khám mắt định kỳ, tốt nhất là 6 tháng 1 lần. Nếu ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cần kiểm soát tốt đường máu và huyết áp, theo dõi thường xuyên tiến triển của bệnh võng mạc. Ở giai đoạn sau phải điều trị laser để diệt bớt các tân mạch ở những bệnh nhân có bệnh võng mạc tăng sinh, hạn chế nguy cơ các mạch máu này bị vỡ, phòng tránh mù lòa.
Phòng ngừa bệnh
Theo các bác sĩ, bệnh võng mạc đái tháo đường một khi không phát hiện điều trị sớm sẽ dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho võng mạc. Trong cấu tạo mắt, võng mạc là lớp chứa tế bào thần kinh phía sau mắt, có chức năng thu nhận ánh sáng để tạo nên hình ảnh. Nguyên nhân người mắc đái tháo đường có nguy cơ bị võng mạc là do lượng glucose trong máu quá cao, trong thời gian dài sẽ chặn các mạch máu li ti nuôi dưỡng võng mạc. Mắt của người bệnh cố gắng tạo các mạch máu mới, trong khi những mạch máu này không phát triển như bình thường. Hậu quả là gây ra xuất huyết và tràn dịch vào trong võng mạc, có trường hợp gây ra tình trạng phù điểm vàng, làm mờ tầm nhìn.
Khi bệnh chuyển biến càng nặng thì sẽ càng có nhiều mạch máu bị tắc nghẽn. Các chất dịch thoát ra từ mạch máu sẽ tích tụ làm lớp võng mạc bị tách ra. Nếu không được phát hiện sớm, người bệnh có khả năng bị mù lòa vĩnh viễn.
Để phòng tránh mù lòa, người bệnh đái tháo đường đường phải giữ mức đường huyết ổn định khi đói < 7 mmol/l, HbA1c < 7%. Ăn kiêng và tập thể dục đều đặn. Duy trì lịch khám mắt đầy đủ. Khi có chỉ định, điều trị các tổn thương võng mạc bằng laser để tránh biến chứng trước khi gây giảm và mất thị lực vĩnh viễn.
Vì người bệnh đái tháo đường tất yếu có những biến chứng về mắt, chỉ có điều sớm hay muộn, nặng hay nhẹ nên cần có chế độ bảo vệ mắt ngay từ khi chưa có biến chứng. Người bệnh nên khám mắt ngay sau khi chẩn đoán bệnh và định kỳ kiểm tra 4 - 12 tháng/lần. Cần kiểm soát huyết áp, mỡ máu, bỏ hút thuốc lá để giảm nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và xuất huyết võng mạc. Nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, chia nhỏ bữa ăn trong ngày, giảm tinh bột, tăng cường rau củ quả màu xanh thẫm, vàng cam, giàu vitamin C (cam quýt, cà chua, súp lơ), các loại đậu, cá biển.
Box: Thống kê ở Mỹ cho thấy, biến chứng võng mạc do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trong độ tuổi từ 20-74 tại nước này. Biến chứng này xảy ra đối với 90% các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm, bất kể người bệnh có phụ thuộc insulin hay không. Tuy nhiên, đa số các biến chứng mắt do đái tháo đường đều có thể phòng ngừa và điều trị đạt kết quả tốt, người bệnh chỉ cần tuân thủ chế độ điều trị, kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, mỡ máu và có cuộc sống lành mạnh.
Hà An