Nhịp tim với sức khỏe
Nhịp tim phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe, thời gian trong ngày. Buổi sáng trước khi thức giấc, nhịp thấp nhất. Khi hít thở vào, nhịp hơi nhanh hơn và khi thở ra, nhịp hơi chậm. Nhịp tim đều đặn là thời gian giữa hai nhịp phải bằng nhau. Nhịp tim bình thường đối với trẻ em dưới 1 tuổi là 100 - 160 nhịp/phút, trẻ từ 1 tới 10 tuổi là 70 - 120 nhịp/phút, người từ 10 tuổi trở lên là 60 - 120 nhịp/phút, vận động viên thể thao là 40 - 60 nhịp/phút. Phụ nữ có nhịp tim nhanh hơn nam giới do quả tim phụ nữ nhẹ hơn nên co bóp nhanh và nhiều hơn. Dựa vào nhịp tim người ta biết rất chi tiết về tình trạng sức khỏe.
Khi trái tim mệt mỏi, nhịp đập của tim có thể nhanh hoặc chậm lại, hoạt động bơm của tim trở nên yếu đi, máu lưu thông qua tim cũng như khắp cơ thể với tốc độ chậm hơn và ứ đọng lại, dịch từ các mạch máu thoát ra ngoài, tích tụ lại ở phổi (chèn ép phổi gây ho, khó thở, thở hụt hơi khi gắng sức hoặc khi nằm); ở chi gây phù ở bàn chân, cẳng chân; toàn thân mệt mỏi. Dần dà nếu không có biện pháp chữa trị, trái tim có thể bị suy.
GS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ tịch hội Tim mạch Việt Nam cho biết, dấu hiệu hay gặp nhất ở người bị suy tim là khó thở. Lúc đầu chỉ khó thở khi hoạt động gắng sức, về sau khó thở xảy ra thường xuyên hơn kể cả lúc nghỉ ngơi, đặc biệt ở tư thế nằm nên người bệnh thường phải ngồi dậy để thở. Mệt mỏi, phù chi, tiểu đêm nhiều. Một triệu chứng khó thấy hơn và không được chú ý nhiều trong suy tim là ho không có đờm kéo dài, ho tăng khi nằm ngủ, người bệnh thấy hồi hộp và hay lo sợ.
Theo các chuyên gia, suy tim thường do bệnh van tim, cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, suy thận, COPD, hen, cường giáp... Sự tổn thương cơ tim chính là nguyên nhân gây ra suy tim.
Các nguyên nhân khiến cơ tim bị tổn thương
Bệnh động mạch vành: Là bệnh lý xảy ra khi động mạch cấp máu cho tim bị hẹp, do các mảng xơ vữa hoặc do sự co thắt mạch, dẫn đến tim bị thiếu oxy, gây đau thắt ngực. Các cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, ngăn chặn sự lưu thông máu đến các tế bào cơ tim, làm tổn thương cơ tim và khu vực không được cấp máu đó sẽ không thể hoạt động bình thường.
Bệnh cơ tim: Tổn thương cơ tim còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác ngoài các vấn đề về động mạch hoặc lưu thông máu, chẳng hạn như tình trạng nghiện rượu, hút thuốc lá lâu ngày hoặc sử dụng ma túy.
Những bệnh lý mạn tính khiến tim hoạt động quá sức bao gồm, bệnh tăng huyết áp, bệnh van tim (như hở van tim), bệnh tuyến giáp (như cường giáp), suy thận, đái tháo đường hoặc các khiếm khuyết ở tim, đây đều có thể là nguyên nhân dẫn đến suy tim. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc đồng thời các bệnh kể trên có nguy cơ mắc suy tim cao hơn.
Những người mắc cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp tim đều có nguy cơ suy tim, đây là bệnh được giới y học coi là chứng nan y. Theo y học hiện đại, điều trị suy tim thường sử dụng các nhóm thuốc Digitalis, ức chế men chuyển, chẹn beta, lợi tiểu..., tùy theo nguyên nhân có thể phẫu thuật.
Theo GS Phạm Gia Khải, ngay từ khi còn trẻ cần tập thể dục đều đặn. Không cần tập dốc sức mà tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga; không làm việc gắng sức quá mức. Nam giới nên bỏ thuốc lá, không uống rượu. Cần kiểm soát căng thẳng, sống lạc quan vui vẻ, duy trì cân nặng ở mức vừa phải, ăn uống lành mạnh. Người cao tuổi mắc nhiều bệnh mãn tính cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, tuân thủ điều trị, uống đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian. Không tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc, ngay cả khi thấy triệu chứng không còn.