Những thời điểm nên uống nước
– Ngay sau khi thức dậy, lúc sáng sớm và chưa ăn sáng nên uống một lượng nước 250-300 ml. Đây là thời điểm cơ thể hấp thu nước một cách dễ dàng nhất để bổ sung lượng nước bị mất trong đêm và giúp ta cảm thấy sảng khoái sau giấc ngủ. Không nên uống nước trong bữa ăn do nước sẽ pha loãng dịch vị tiêu hóa của dạ dày, gây cản trở tiêu hóa.
– Nên uống một lượng khoảng 200-500 ml nước trước khi vận động, nhất là khi thực hiện những cuộc vận động mất quá nhiều sức để bổ sung dự phòng cho lượng nước sẽ bị mất. Và sau khi vận động cũng cần phải uống nước.
– Cần uống nước thường xuyên để bù đắp cho quá trình bài tiết làm mất nước và đảm bảo sự cân bằng cho chức năng hoạt động của tế bào, điều hòa nhiệt và cải thiện chức năng tim mạch.
Bổ sung bao nhiêu nước là đủ?
Trong sinh hoạt bình thường hằng ngày, ta cần uống từ 1,5 -2l nước để giúp cơ thể luôn giữ đủ lượng nước cần có. Uống nước là một điều tốt với cơ thể nhưng cũng không nên uống quá nhiều nước trong một ngày vì khi đó sẽ làm tăng tổng lượng máu toàn cơ thể, gây gánh nặng cho tim, cho mạch máu.
Chưa kể thận sẽ phải gia tăng thời gian hoạt động vì khi uống nước nhiều hơn nhu cầu của cơ thể, thận sẽ loại thải phần nước thừa ra khỏi hệ thống tuần hoàn nên rất dễ gây hư hại, tổn thương chức năng của thận. Không uống nước quá lạnh để đảm bảo sức khỏe dạ dày.
Nên uống nước gì?
Một số người có sở thích uống nước đá vào mùa nóng, cũng có một số người thích uống nước nóng. Tuy nhiên, nếu uống nước quá nóng có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và kích thích sự tăng sinh niêm mạc. Còn nếu uống nước lạnh có thể gây khó chịu đường tiêu hóa, có thể gây tiêu chảy. Do đó khi uống nước, tốt nhất là nên uống nước ấm.
Uống nước như thế nào là đúng cách:
Uống nước cả khi không khát, khi uống phải uống từng ngụm nhỏ vừa miệng, ngậm và nuốt từ từ chứ không nên uống ừng ực cho đã khát. Có như thế mới đảm bảo sự điều chỉnh của cơ thể, không ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp.
Theo Baophapluat.vn