Lưu ý bồi bổ khi bị đau bụng

(khoahocdoisong.vn) - Đau bụng liên quan đến rất nhiều các cơ quan, nội tạng nên khi bị lên cơn đau không nên bồi bổ. Bệnh ổn định việc bồi bổ cũng cần phải chú ý.

Đau bụng là một triệu chứng rất thường gặp. Ổ bụng có nhiều cơ quan, nội tạng, do đó đau vùng bụng có thể xuất phát từ một trong những cơ quan ấy, bao gồm: Các cơ quan của hệ tiêu hóa - dạ dày, phần cuối thực quản (tâm vị), ruột non và ruột già (đại tràng), gan, túi mật, tuỵến tuỵ; Động mạch chủ - động mạch lớn đi thẳng từ ngực xuống bụng; Ruột thừa; Hai thận...

- Tuy nhiên, đau có thể xuất phát từ một nơi khác – như ở ngực hay vùng chậu. Nhiễm trùng lan tỏa sẽ ảnh hưởng đến nhiều phần của cơ thể, như cúm hoặc viêm họng do vi khuẩn streptococcus chẳng hạn.

Cường độ của cơn đau không nhất thiết phản ánh độ trầm trọng của nguyên nhân gây đau. Đau bụng dữ dội đôi khi chỉ vì những tình trạng nhẹ như đầy hơi, hoặc đau quặn khi bị viêm dạ dày ruột do virus. Ngược lại, đau ít hoặc không đau lại có thể biểu hiện cho những tình trạng nặng đe doạ tính mạng như ung thư đại tràng hoặc viêm ruột thừa giai đoạn sớm.

Đau bụng nên ăn thanh, nhẹ.

Đau bụng nên ăn thanh, nhẹ.

Rất nhiều bệnh có thể gây đau bụng và rất khó chẩn đoán nên khi có dấu hiệu: Đau đột ngột và dữ dội ở bụng; Đau lan đến ngực, cổ và vai; Nôn ói ra máu hoặc có máu trong phân (đặc biệt khi phân có màu nâu đen hoặc đen); Bụng cứng như tấm bảng, ấn đau; Không đi tiêu được, đặc biệt khi kèm nôn ói... cần phải đi cấp cứu ngay.

Nên đi khám khi: Đầy hơi kéo dài hơn 2 ngày; Tiêu chảy kéo dài hơn 5 ngày; Khó chịu ở bụng lâu hơn 5 ngày; Đau kèm theo sốt trên 38 độ C; Tiểu lắt nhắt và cảm giác nóng buốt khi đi tiểu; Đau vùng bả vai kèm buồn nôn; Đau trong thai kỳ (hoặc nghi ngờ có thai); Biếng ăn kéo dài; Sút cân không rõ nguyên nhân...

Người bị đau bụng khi bị cơn đau không nên bồi bổ, cần ăn uống theo chế độ loãng, mềm, ít bã, dễ tiêu. Khi bệnh cơ bản đã ổn định mới nên tiến hành thực bổ. Với người đau bụng thể hư hàn, ăn uống cần ấm nóng, tránh ăn sống lạnh. Với người bị đau bụng thể thực nhiệt, cần tránh ăn thức ăn ấm nóng, nên ăn thức ăn mát. Với người bị đau bụng do khí trệ hoặc thực trệ gây nên, nên ăn uống thanh đạm, tránh bồi bổ. Thức ăn hay dùng có cháo, mỳ sợi, bột ngó sen, mỳ vằn thắn, sữa bò... Tránh ăn các thức ăn béo, tanh, sống lạnh, chua cay.

Đau bụng do hư hàn: 1 - Gừng tươi 1 củ, ớt, tỏi, thịt cừu 250g, nấu canh ăn. 2 - Hồi hương non xào dấm 30g, sắc uống nóng. 3 - Gừng tươi, đường đỏ hãm trà uống.

Đau bụng thể thực nhiệt: 1 - Nước dưa hấu uống nhiều lần. 2 – Dùng 150 - 200g thạch cao sống, đập vụn, cho vào trong nồi đất, cho 300ml nước vào sắc còn 200ml, bỏ bã giữ lại nước, cho 100g gạo tẻ và 600ml nước nấu thành cháo loãng. Mỗi ngày ăn 2 lần vào sáng và chiều.

Đau bụng khí trệ: Nên dùng trần bì, đại mạch, ô dược... lần lượt nấu cháo ăn.

Đau bụng thực trệ: Sơn tra sao vàng tán nhỏ, uống với nước đường trắng, mỗi lần 6 - 10g, mỗi ngày uống 3 lần, hoặc dùng củ cải nấu cháo ăn.

Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top