Khởi tố với tội danh Vô ý làm chết người là có căn cứ
Ngày 27/8, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đã tống đạt quyết định khởi tố và bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón trẻ Trường Gateway trong vụ cháu L.H.L tử vong.
Bà Quy bị khởi tố về hành vi “Vô ý làm chết người” với cáo buộc “vô ý không kiểm tra hết trong xe mà đã đóng cửa bỏ đi”, dẫn tới việc bé L.H.L bị bỏ quên trên xe đưa đón trẻ của Trường Gateway suốt 9 tiếng ngày 6/8. Kết quả giám định thể hiện, bé L.H.L tử vong do sốc nhiệt, suy hô hấp, không có nguyên nhân bệnh lý.
Theo luật sư Trần Hữu Năng, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Năng, việc khởi tố bà Quy với cáo buộc “Vô ý không kiểm tra hết trong xe mà đã đóng cửa bỏ đi” là đúng pháp luật về tội Vô ý làm chết người.
Vì: - Hành vi không kiểm tra dẫn đến còn người trong xe.
- Người trong xe đã bị chết do suy hô hấp (tức là thiếu không khí), sốc nhiệt (tức là quá nóng).
Như vậy, hành vi bỏ quên cháu L. và hậu quả chết người có mối quan hệ nhân quả với nhau.
Tuy nhiên, theo luật sư Năng, phân tích này của ông trước mắt chỉ dựa vào thông tin do báo chí công khai đã nêu khi khởi tố bà Quy. Còn bản chất sự việc, cần phải có thêm thông tin để giải đáp các dấu vết và chứng cứ khác như: Sự thay đổi áo bé L. mặc, rèm trong ô tô được kéo ra, quả bóng bay xuất hiện …
Ngoài ra, còn có những lời giải đáp khác nhau về thời gian cháu bé tử vong: Nếu cháu L. tử vong từ 9h đến 12h thì đã hết oxy chưa? Đòi hỏi cơ quan điều tra phải có biện pháp “thực nghiệm điều tra".
Rồi tại sao một bộ máy chính quy như trường quốc tế Gateway mà khi chỉ có 12/13 cháu vào lớp, nhà trường không có cuộc gọi nào cho phụ huynh...
Nếu đơn thuần Vô ý làm chết người không nhất thiết bắt giam
Đối với việc bắt tạm gia bà Quy, hiện tại vẫn gây nhiều quan điểm trái chiều, theo luật sư Trần Hữu Năng, Tạm giam được quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Theo đó: Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
Như vậy, bà Quy nếu đơn thuần phạm tội Vô ý làm chết người thì không nhất thiết phải bắt tạm giam. Ngành công an có phương châm rất nhân đạo là: “Trường hợp bắt cũng được, không bắt cũng được thì kiên quyết không bắt”. Có thể đây là lý do mà 3 tuần trôi qua từ khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra không bắt bị can nào.
Tuy nhiên, trên phương tiện thông tin đại chúng, có nhiều thông tin về các lời khai của bà Quy không nhất quán, nhất là mỗi khi tiếp xúc với các luật sư khác nhau cũng được cho đăng báo. Điều đó gây khó khăn cho công tác điều tra, thậm chí có thể đã có tác động ngược chiều là mớm cung cho bà Quy khai báo không đúng thực tế.
Vì vậy, cơ quan điều tra tiến hành bắt tạm giam bà Quy là cần thiết để đảm bảo điều tra khách quan hơn.
Cần xem xét trách nhiệm cá nhân, kể cả lãnh đạo trường
Luật sư Trần Hữu Năng cho biết, trong việc để xảy ra cái chết của học sinh, Trường Gateway đương nhiên có trách nhiệm, từ khâu tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo người làm công, việc đề ra các quy trình quy phạm công tác, việc giám sát kiểm tra thực hiện quy trình quy phạm.
Ở đây, cần xem xét trách nhiệm của những cá nhân có lỗi trong quy trình công tác, dẫn đến chết người, kể cả lãnh đạo trường và những bộ phận liên đới.
Đối với việc dư luận so sánh việc Trường mầm non Maple Bear Westlake Point đã bị dừng hoạt động, vì có cô giáo nhốt học sinh vào tủ, thì Trường Gateway cần xử lý như thế nào, ông Năng cho rằng, hiện cuộc điều tra và xử lý vụ án của trường Gateway chưa kết thúc, cần chờ kết luận điều tra chính thức, chưa nên vội so sánh.
Trao đổi với PV KH&ĐS về vụ việc, Luật sư Chu Văn Vẻ, nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao nói: “Để xác định được trách nhiệm của những người liên quan thì cần phải xem quy chế hoạt động của nhà trường.
Ví dụ, theo quy chế đó, cô giáo thấy thiếu học sinh thì phải làm gì, báo lên đâu? Nếu theo quy chế là phải báo về hệ thống, cô giáo có báo, mà hệ thống lại không báo về cho gia đình thì hệ thống có khuyết điểm. Bởi nếu báo khẩn trương kịp thời thì gia đình đi tìm cháu ngay, có thể cháu đã không chết. Và cô giáo khi đã báo, thì phải theo dõi, nhận lại phản hồi của nhà trường như thế nào…
Như vậy, cần phải xem ở quy trình. Nếu sai ở khâu nào, khâu đó sẽ phải chịu trách nhiệm và chịu chung hậu quả đó”.
Đối với việc trách nhiệm của bà Quy trong vụ việc, dù là hợp đồng miệng, nhưng khi đã nhận công việc và nhận tiền lương từ công việc mình làm thì phải có trách nhiệm. Trách nhiệm của bà Quy ở đây là đưa đón học sinh, phải kiểm tra trên xe dưới xe, quan sát và bảo vệ các cháu. Bà không làm tròn trách nhiệm của mình, dẫn tới hậu quả như vậy thì là thiếu trách nhiệm.