Lớp chọn "ngụy trang" thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - Lớp chọn được "ngụy trang" tinh vi, "hợp lý hóa"… Theo các giáo viên, có kiểm tra cũng khó phát hiện ra, chỉ người trong nghề và trong cuộc mới biết.

Ngụy trang tinh vi

Một phụ huynh có con đang học lớp chọn một trường ở Hà Nội cho biết, muốn cho con vào lớp chọn ở trường chị, nhất định phải có người giới thiệu với hiệu trưởng.

Cũng theo vị phụ huynh này, sẽ có hai loại lớp chọn. Một loại là lớp tập trung các em có thành tích, đạt các giải trong các kỳ thi ở bậc tiểu học. Những em này sẽ được xếp thẳng vào lớp chọn để giữ danh tiếng, thành tích cho trường.

Loại lớp thứ 2 là không có thành tích nổi bật, nhưng phụ huynh có tiền, có “quan hệ”, và muốn cho con được hưởng một môi trường học tập tốt hơn, được dạy bởi các thầy cô giỏi hơn trong trường thì phải “chạy”, chi tiền mới được vào.

Từng có thâm niên gần 20 năm trong nghề và hơn chục năm dạy lớp chọn, hiện tại cũng vẫn đang dạy lớp chọn, một giáo viên khẳng định: “Lớp chọn ngụy trang tinh vi lắm, người không trong nghề sẽ khó mà biết được”.

Cách ngụy trang phổ biến nhất là sẽ khiến lớp chọn không khác gì lớp thường. Theo đó, đối với những lớp chọn thuộc loại để duy trì thành tích cho trường, sau kì khảo sát chất lượng hoặc kì thi tuyển sinh đầu cấp, nhà trường chọn những học sinh có điểm thi cao nhất, dồn về 2-5 lớp, tùy theo quy mô trường.

Chỉ khoảng 75% học sinh trong lớp đó có điểm đẹp nhất thôi. 25% còn lại là rất bình thường. Vậy sẽ không ai gọi đó là lớp chọn. Nhưng sau họp phụ huynh, một cách kín đáo mà ai cũng hiểu đó là những lớp chọn, 25% hs đó sẽ được nhà trường chuyển lớp (vận động hoặc tự nguyện). Những “hạt giống” đang rơi vãi ở những lớp đại trà được dồn về, gọi là điều chuyển theo nguyện vọng. Thế là thành chọn. Công cuộc thanh lọc muộn nhất sẽ diễn ra sau một năm học đầu tiên. Bởi vì, danh sách học sinh trong lớp ở đầu cấp thường biến động.

Cũng có một hình thức tuyển chọn nữa, đó là “Ngay đầu năm, trường ra thông báo với phụ huynh có con học đầu cấp: Trường có lớp học tiếng Anh hệ 10 năm (bình thường hệ 7 năm) và học chương trình VNEN, các học sinh muốn học phải thi vào. Thế là thi, học sinh nào có học lực tốt thì thi đậu. Con các quan chức hoặc nhà có điều kiện cũng thi đậu, mà chẳng ai nói ra vào được gì”, một giáo viên khác chia sẻ.

Theo một giáo viên hiện đang dạy lớp chọn, tiêu chí để nhận ra lớp chọn:

“Thứ nhất, có thể nhìn vào chất lượng học sinh, xem các học sinh khá giỏi tập trung ở lớp nào, lớp nào có con các quan chức… Thứ hai, là xem bộ ba quyền lực, tức là các thầy cô xuất sắc của trường ở những khối: Toán, Văn, Anh; Toán, Lý, Hóa dạy lớp nào”.

Cũng theo giáo viên này, “việc xếp lớp là cơ mật, phải những người “cùng thuyền” với hiệu trưởng mới biết được”.

Phụ huynh có “quyền uy” “nhảy” vào can thiệp xếp lớp thầy cô dạy

Ở góc độ một giáo viên nhiều năm dạy lớp chọn và hiện tại vẫn đang dạy lớp chọn, cô giáo này chia sẻ, việc dạy lớp chọn cũng có những niềm vui nhất định. Đó là được dạy nhiều học sinh có sự thông minh và sáng tạo. Dạy học sinh như thế rất vui, rất bõ công thầy. Chính thầy cô dạy lớp chọn luôn phải tự học, tự làm mới (để tránh "lạnh sống lưng" trước những câu hỏi rất hóc búa của trò).

Những yêu cầu của người dạy về thiết bị dạy học thường được nhà trường và gia đình học sinh đáp ứng ở mức tốt nhất”, cô giáo nói.

Tuy nhiên, theo giáo viên này, những nỗi buồn vẫn nhiều hơn niềm vui. Đầu tiên là áp lực cho nhiều phía: Công luận, phụ huynh, nhà trường, giáo viên dạy môn chọn và những môn còn lại. Và gia tăng những góc khuất của giáo dục: Tham nhũng, bất bình đẳng, dạy thêm tràn lan.

“Lo ngại nhất là khắc sâu vào tâm lí xã hội niềm tin rằng đứa trẻ ngồi lớp chọn là ưu việt hơn, nổi trội hơn, xứng đáng hơn. Cho nên khi xảy ra điều ngược lại, tất cả những ai tham gia quá trình nhấc đứa trẻ vào lớp chọn đều không hài lòng, thậm chí buồn bã. Bản thân học trò cũng vậy. Trong khi, với những học sinh sức học không đủ để theo chương trình lớp chọn, học do ý muốn bố mẹ thì quả thực là “cực hình”, giáo viên này nói.

Và chán nản nhất của người dạy lớp chọn là nhiều khi dạy theo những công thức, những thủ thuật, thậm chí tiểu xảo để đạt điểm cao. Bởi điểm cao là tiêu chí tối thượng đánh giá thành công của thầy và trò lớp chọn.

Cũng vì lý do đó, mà giáo viên này chia sẻ: “Tôi đã thiết tha xin dạy lớp đại trà. Tuy nhiên, hiệu trưởng không đồng ý. Một phần do chính phụ huynh có quyền uy “nhảy” vào can thiệp chuyện xếp lớp dạy cho các thầy cô”.

“Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sẽ không có lớp chọn ở cấp tiểu học và THCS. Nhưng chừng nào người ta còn tin rằng chỉ có ngồi lớp chọn mới mở ra cơ hội học hành, là niềm tự hào của gia đình… thì có cầu sẽ còn có cung. Tôi rất mong, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra, xử lý những trường làm trái quy định trong việc này”, một giáo viên chia sẻ.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top