U ác tính khắp đoạn ruột lồng
Bệnh nhân nam (81 tuổi, Quảng Ninh) nhập viện với các biểu hiện nôn, đại tiện kém kèm đau trướng bụng, ăn kém. Dựa trên hình ảnh X-quang, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh có tình trạng lồng ruột non, nghĩ nhiều đến do u ruột non và được chỉ định phẫu thuật.
Tuy nhiên, với thể trạng của người bệnh tuổi cao, gầy yếu, suy kiệt chỉ có 36kg, kèm theo bệnh lý nền tăng huyết áp đòi hỏi quá trình phẫu thuật cần diễn ra nhanh chóng, chính xác. Khi tiến hành phẫu thuật các bác sĩ nhận thấy người bệnh bị lồng 2 đoạn ruột non và đặc biệt là khắp ruột đều có u.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành tháo lồng ruột và cắt đoạn ruột non có khối lồng. Các khối u được gửi xét nghiệm mô bệnh học và có kết quả là u ruột non ác tính. Hiện sau phẫu thuật sức khỏe người bệnh ổn định, có thể ăn uống và đã được xuất viện.
Theo ThS.BS Đào Đăng Sơn, Khoa Ngoại tiêu hóa & Tổng hợp, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, lồng ruột là một rối loạn nghiêm trọng khi một phần ruột trượt vào một phần khác của ruột. Tình trạng này thường cản trở sự lưu thông của thức ăn và dịch trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, lồng ruột cũng làm tắc nghẽn quá trình cung cấp máu cho phần ruột bị ảnh hưởng, điều này có thể dẫn đến thủng ruột, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm độc và gây hoại tử ruột. Lồng ruột ở người lớn chiếm tỷ lệ từ 1 - 5% còn lồng ruột ở trẻ em chiếm tỷ lệ 90% và 5% các trường hợp tắc ruột. Các trường hợp lồng ruột ở trẻ em thường không rõ nguyên nhân, nhưng ở người lớn thì ngược lại: hơn 90% nguyên nhân do u, chủ yếu là u ở ruột non và đại tràng, một số khác do viêm hạch mạc treo, viêm hồi manh tràng mạn, có túi thừa meckel, manh tràng di động. Do hiếm gặp ở người lớn nên đa phần các ca lồng ruột ở người lớn thường bị bỏ sót, chẩn đoán muộn.
Bắt buộc phải phẫu thuật
ThS.BS Đào Đăng Sơn cho biết thêm, khác với việc điều trị lồng ruột ở trẻ nhỏ có thể sử dụng phương pháp bơm hơi tháo lồng hoặc phẫu thuật. Còn đối với lồng ruột ở người lớn thì chỉ có phương pháp phẫu thuật mới giải quyết được dứt điểm. Hơn nữa, các u gây lồng ruột ở người lớn hầu hết là ung thư, do đó bắt buộc phải phẫu thuật điều trị kết hợp với các phương pháp khác. Theo kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị, hầu hết các trường hợp u ở ruột non là lành tính, còn u đại tràng thường là ác tính.
Nếu u gây lồng ruột do polyp trong hội chứng Peutz-Jeghers thì có thể có các biến chứng chảy máu, hay tái phát, thậm chí có thể bị lồng cùng ở nhiều đoạn khác nhau một lúc. Các trường hợp viêm hạch lao, viêm hồi - manh tràng mạn tính, viêm hạch không đặc hiệu thường gây tăng và rối loạn nhu động ruột, dẫn đến lồng ruột.
Căn cứ vào nguyên nhân, vị trí lồng ruột và các thương tổn mà bác sĩ sẽ đưa ra 3 phương pháp mổ khác nhau gồm: Tháo lồng (cố định manh tràng); Cắt nửa đại tràng; Cắt đoạn ruột kèm khối lồng. Việc lựa chọn các phương pháp phẫu thuật cũng phụ thuộc vào điều kiện bệnh nhân, khả năng gây mê hồi sức và kinh nghiệm của bác sĩ.
Ở các trường hợp lồng hồi-manh-đại tràng hoặc lồng đại-đại tràng thì sẽ cắt đoạn ruột lồng, không tháo, thường cắt nửa đại tràng phải hoặc trái phụ thuộc vị trí và thành ruột thương tổn.
Những người có tổn thương lành tính trong ruột non và đại tràng thì sẽ cắt đoạn ruột non hay nửa đại tràng để ngừa lồng ruột tái phát. Với bệnh nhân bị lồng ở góc hồi-manh tràng không phải do u thì chỉ cần tháo lồng, cắt ruột thừa và cố định manh tràng, đoạn cuối hồi tràng.
Nếu lồng ruột do dính, viêm thì phải gỡ dính, tháo lồng và điều trị nguyên nhân. Nếu viêm do u lao ở góc hồi-manh tràng thì cần cắt nửa đại tràng phải kết hợp điều trị lao. Lồng ruột ở người lớn do túi thừa meckel kèm khối lồng (khối lồng hoại tử hoặc sắp hoại tử) thì sẽ nối lại.
ThS.BS Đào Đăng Sơn cảnh báo, lồng ruột có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Khi xuất hiện đau bụng từng đợt, có thể buồn nôn hoặc nôn, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Sớm nhận ra những bất thường về sức khỏe và kiểm tra sức khỏe định kỳ mới có thể phát hiện bệnh sớm để điều trị, tránh những trường hợp biến chứng có thể xảy ra.