Theo các chuyên gia về sức khỏe, vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20-40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng.
Lối sống thiếu vận động ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?. Ảnh minh họa |
Dễ gây stress và trầm cảm
Những người lười vận động thường dễ bị stress và trầm cảm do không hoạt động nên cơ thể không giải phóng Endorphin, một dạng Hormone giảm cảm giác đau và tăng cảm giác hạnh phúc.
Gây béo phì
Lười vận động là nguyên nhân chủ yếu gây thừa cân, béo phì vì lượng calo dư thừa trong cơ thể không được đốt cháy đã dẫn tới tình trạng tích tụ mỡ thừa. Người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, sỏi mật, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư vú, bệnh tim mạch, ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại tràng…
Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Người không thường xuyên vận động sẽ đốt cháy quá ít calo, khiến các thụ thể Insulin giảm độ nhạy, giảm tiêu thụ lượng đường trong cơ thể.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Thói quen lười vận động khiến năng lượng tích tụ lại trong cơ thể tạo thành mỡ, tăng lượng Cholesterol xấu (LDL) và giảm lượng Cholesterol tốt (HDL), làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Dễ mắc chứng nghẽn mạch và suy tĩnh mạch
Khi bước qua tuổi trung niên cộng với việc ngồi nhiều, lười vận động, bạn sẽ dễ mắc bệnh suy tĩnh mạch ngoại biên, từ đó, dễ hình thành huyết khối ở chân. Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi sẽ làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, với những người ngồi quá lâu, lưu lượng máu chảy về chân giảm đi, làm tăng thêm áp lực trong tĩnh mạch, dẫn tới tình trạng giãn tĩnh mạch, gây đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Làm chậm quá trình trao đổi chất
Quá trình trao đổi chất bị chậm lại do cơ thể không được vận động thường xuyên khiến máu lưu thông chậm, tăng nguy cơ mắc một số vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe.
Ngoài ra, lười vận động còn gây ra nhiều vấn đề khác như: Đau lưng, đau mỏi vai gáy, giảm tuổi thọ…
Thiếu sức bền
Nếu không tập thể dục thường xuyên, bạn có thể nhanh chóng thở mệt chỉ sau khi leo cầu thang hay mang vác đồ nặng. Nhưng nếu là người chăm tập luyện thì điều này lại không diễn ra nhanh như vậy.
Tập thể dục thường xuyên làm tăng sức khỏe tim mạch, phổi, giảm tình trạng khó thở ở cả người khỏe mạnh và những người bị bệnh phổi mạn tính. Điều này có nghĩa là cơ thể có thể hấp thụ oxy tốt hơn, ngay cả khi mệt mỏi.