Hy hữu: Bé trai chào đời cùng vòng tránh thai của mẹ

Bé trai nặng 3,8 kg chào đời tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cùng với chiếc vòng tránh thai trong tử cung của người mẹ. Đủ các kiểu biến chứng nguy hiểm khi phụ nữ "quên" lấy vòng tránh thai nên chị em cần chú ý.

May mắn kỳ diệu

Mẹ L.H.M (30 tuổi) đặt vòng tránh thai cách đây 5 năm sau khi đã sinh 2 con. Sản phụ được bác sĩ quản lý thai kỳ chặt chẽ, sinh mổ khi thai nhi 40 tuần. Chiều 5/12, sau khi bé trai chào đời khỏe mạnh, bác sĩ cũng lấy chiếc vòng tránh thai ra khỏi tử cung cho mẹ.

Theo chia sẻ của BSCKII Hà Cẩm Thương - Phó khoa Sản khoa tự nguyện, người trực tiếp phẫu thuật cho sản phụ, việc một em bé chào đời khi trong tử cung người mẹ vẫn còn vòng tránh thai là điều hiếm gặp. Mặc dù "không nằm trong kế hoạch", song em bé chào đời khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông là niềm hạnh phúc rất lớn của gia đình sản phụ và cả các bác sĩ.

Bé trai chào đời cùng với vòng tránh thai của mẹ - Ảnh BSCC

Bé trai chào đời cùng với vòng tránh thai của mẹ - Ảnh BSCC

Vòng tránh thai là một phương pháp ngừa thai phổ biến và hiệu quả cao, tuy nhiên không phải là tuyệt đối. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vòng, như vòng di chuyển khỏi vị trí ban đầu, vòng bị hư hỏng hoặc các yếu tố liên quan đến cơ thể người phụ nữ.

Trong trường hợp này, vòng tránh thai không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi do nằm bên ngoài túi ối, không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho bé. Sau sinh, mẹ và bé được chăm sóc tận tình tại khoa Dịch vụ D4.

Vòng tránh thai bị bỏ quên và những cái kết khó quên

Đủ các kiểu biến chứng nguy hiểm khi phụ nữ quên lấy vòng tránh thai, dẫn đến việc vòng tránh thai lạc chỗ đâm xuyên tử cung, làm thủng đại tràng, ruột và là nơi trú ngụ của khối u...

Bệnh viện Bạch Mai đã phải phẫu thuật lấy vòng tránh thai lạc chỗ và xử lý chỗ thủng đại tràng cho chị H.H.L. (38 tuổi) vào viện vì đau bụng vùng chậu dưới rốn âm ỉ, kèm đi ngoài ra máu.

Chị L. có tiền sử đặt dụng cụ tránh thai 3 năm và không đi kiểm tra lại. Kết quả nội soi đại tràng và chụp cắt lớp vi tính thấy vòng nằm một đầu ở trong lòng đại tràng sigma, một đầu cắm chặt trong thành của đại tràng sigma phía bờ mạc treo.

Bệnh nhân Q.T.L. (60 tuổi) đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đề nghị tháo vòng tránh thai vì đã đặt 20 năm nhưng tuyến huyện tháo ra thất bại.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Linh, khoa khám phụ khoa tự nguyện, cho biết dụng cụ tử cung vẫn đúng vị trí trong buồng tử cung, tuy vậy không thể tiếp cận được dụng cụ tử cung theo phương pháp thông thường mặc dù quan sát rất rõ trên siêu âm.

"Chúng tôi thay đổi linh hoạt các phương pháp khác nhau và thật đặc biệt, chúng tôi đã gắp ra được một khối u xơ tử cung và dụng cụ tử cung lâu năm được bọc kín trong khối u đó. Tử cung của bệnh nhân được bảo tồn nguyên vẹn".

Tại Bệnh viện K, trong quá trình mổ ung thư các bác sĩ cũng thường xuyên bắt được vòng tránh thai "di cư" từ tử cung lên ổ bụng của các bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, chuyên gia sản phụ khoa, cho biết đã xử lý nhiều trường hợp bị tai biến do vòng tránh thai quá hạn, nhẹ thì viêm nhiễm, mang thai ngoài ý muốn, nặng thì có trường hợp có một khối u vốn là áp xe do chiếc vòng ăn sâu vào niêm mạc tử cung, chứa đầy mủ gây nát tử cung phải mất một ngày bác sĩ mới lấy được vòng ra...

Nhiều trường hợp vòng chui vào mặt trước dính vào bàng quang gây tổn thương bàng quang và đặc biệt là chui lên ổ bụng, chui vào khúc ruột gây hoại tử, tắc nghẽn...

Theo Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết bình thường vòng tránh thai không gây biến chứng nguy hiểm tính mạng, nếu người bệnh thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ là thăm khám định kỳ và tháo vòng ra khi hết hạn hoặc khi hết kinh.

Thông thường vòng tránh thai tùy theo chủng loại có thời hạn từ 5-10 năm. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bỏ quên vòng tránh thai trong cơ thể trên 20, 30 năm. Có những người đã mãn kinh từ lâu, bỗng dưng bị đau bụng mới nhớ đến... chiếc vòng, nhập viện thì đã có biến chứng.

Vòng tránh thai để lâu được coi như một dị vật trong tử cung. Tử cung thường xuyên co bóp nên quá thời hạn nếu may mắn vòng tụt ra ngoài, còn không thì sang chấn lấn vào các cơ quan khác gây nên các tai biến.

Vòng quá hạn có thể bị lệch, nứt gãy, thậm chí xuyên vào ổ bụng, bám vào các cơ quan lân cận. Điều này sẽ gây ra các tổn thương, nhiễm trùng, thậm chí thủng tử cung, gây viêm phúc mạc hoặc xuất huyết nội… khiến bệnh nhân tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Nguyên (Bệnh viện Bạch Mai), dụng cụ tử cung có thể di chuyển xuyên thủng tử cung với tỉ lệ từ 1,3 - 1,6/1.000 lần đặt.

Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên lấy vòng ra rất đơn giản nên khi đặt vòng thấy bất thường như trễ kinh, đột nhiên ra huyết, đau bụng…, hoặc khi vòng hết hạn, phụ nữ mãn kinh... nên đi kiểm tra, tháo bỏ vòng.

Để tránh biến chứng dụng cụ tránh thai lạc chỗ và xử lý kịp thời cần lưu ý:

- Tránh đặt vòng tránh thai trong thời kỳ hậu sản, thời kỳ cho con bú

- Sử dụng vòng tránh thai nhựa plastic hơn là dụng cụ bằng kim loại

- Làm thủ thuật bằng dụng cụ phù hợp và tránh thô bạo

- Đặt vòng tránh thai cần được thực hiện bởi người có kinh nghiệm

- Khám và theo dõi định kỳ.

Theo VietnamDaily
back to top