Ngày 10/01, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, trung tâm đang điều trị cho 1 bệnh nhi nhiễm trùng nặng vì gia đình lấy lá cây đắp chữa bong gân.
Theo đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam, 12 tuổi, vào viện trong tình trạng cổ bàn chân trái sưng nề, tấy đỏ, có nhiều phỏng nước.
Theo mẹ bệnh nhân kể, bệnh nhân bị ngã gây sưng đau vùng cổ bàn chân trái, đi khám được bác sĩ cấp thuốc và tư vấn. Tuy nhiên, với hy vọng giúp con nhanh khỏi, gia đình dùng lá cây chữa bong gân để đắp vào vùng tổn thương. Sau 01 tuần bệnh nhân đau nhức nhiều nên nhập viện.
Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng cổ bàn chân trái và tiến hành chích tháo mủ, bác sĩ lấy ra khoảng 300ml dịch mủ trắng, bơm rửa, nạo sạch tổ chức viêm. Hiện bệnh nhân đang được chăm sóc vết thương và điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng.
Theo BSCKII Giang Hoài Đức, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp: Nguyên nhân gây nhiễm trùng của bệnh nhân này có thể là do việc đắp lá cây không đảm bảo vô khuẩn, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua các tổn thương trên da hoặc khi da không tổn thương, đắp lá cây cũng có thể gây bỏng da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Tháo 300 ml mủ ở chân bé trai 12 tuổi do bong gân đắp lá cây - Ảnh BVCC |
GS.TS Nguyễn Trung Dũng, chuyên gia cơ xương khớp cho biết, bong gân chính là tổn thương dây chằng ở các khớp, đây là phần liên kết 2 xương lại với nhau, bong gân là một cách gọi dân gian với dạng chấn thương này. Các trường hợp dẫn đến chấn thương dây chằng thường là chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày...
Các vị trí dây chằng bị tổn thương thường gặp là khớp cổ tay, cổ chân, vai, khuỷu tay... với nhiều mức độ khác nhau: nhẹ chỉ là tổn thương một vài bó sợi hay giãn dây chằng mà không làm đứt dây chằng. Nặng hơn, dây chằng có thể bị đứt một phần, phần còn lại vẫn còn nguyên nhưng cũng đủ để làm lỏng lẻo khớp nếu không điều trị đúng. Và nặng nhất là tình trạng đứt hoàn toàn dây chằng làm khớp lỏng lẻo.
Khi bị bong gân, sẽ có tình trạng chảy máu nơi vùng dây chằng bị đứt, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà máu sẽ chảy nhiều hay ít. Máu chảy ra làm sưng nề vùng khớp bị bong gân.
Dấu bầm tím quanh khớp do máu tụ lại, vùng bong gân nóng lên và ấn đau. Sau khi chấn thương, tình trạng viêm sẽ xảy ra ngay vùng bong gân. Các bạch cầu sẽ được huy động đến để dọn dẹp vùng chấn thương đồng thời mô xơ sẽ được huy động đến để hàn gắn vùng dây chằng bị hư.
Vì vậy, việc dùng mật gấu, rượu, xoa cao, đắp lá.... vào nơi bị tổn thương là sai lầm nghiêm trọng vì tổn thương dây chằng nghiêm cấm dùng các chất nóng tác động tại chỗ do những chất này gây chảy máu mạnh hơn.
Do đó, dùng mật gấu và các chất nóng có thể khiến máu tụ nhiều gây hoại tử, thậm chí gây teo cơ, cứng khớp sau này.
Nhiều trường hợp, bệnh nhân vận động, không cố định dẫn đến đau dây chằng mạn tính, có dùng thuốc cũng không điều trị dứt điểm được, phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng mới vận động được.
ThS Dũng khuyên, khi bị tổn thương dây chằng thì biện pháp điều trị bảo tồn là chủ yếu. Quan trọng nhất là cần thực hiện bất động khớp bị tổn thương đủ thời gian để dây chằng phục hồi trở lại. Có thể bất động bằng dùng nẹp y tế, dùng băng chun ép nhưng tốt nhất là bất động bằng đắp bột mới đảm bảo được bất động tuyệt đối.
Thời gian cần bất động thường là 4 tuần, với người cao tuổi thì thời gian có thể lâu hơn một chút. Sau đó người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng và sau 8 tuần có thể chơi thể thao bình thường.
Bác sĩ khuyến cáo: khi gặp chấn thương, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc R.I.C.E:
- Nguyên tắc thứ nhất là nghỉ ngơi: giúp xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn, cơ thể được phục hồi sau chấn thương.
- Nguyên tắc thứ hai là chườm lạnh: giúp giảm đau, giảm sưng. Bệnh nhân cần chườm lạnh trong 48 đến 72 giờ sau chấn thương, mỗi lần chườm lạnh nên kéo dài khoảng 15 đến 20 phút, khoảng cách giữa các lần chườm trong 24 giờ đầu là 30 đến 60 phút. Sau 24 giờ đầu là 120 đến 180 phút.
- Nguyên tắc thứ ba là băng hoặc nẹp cố định: giúp khớp bị chấn thương được cố định chắc chắn, bệnh nhân đỡ đau, giảm tình trạng sưng nề.
- Nguyên tắc thứ tư là kê cao chi thể: Kê cao vị trí chấn thương so với toàn bộ cơ thể sẽ giúp giảm sưng, đau và viêm.
Lưu ý: việc chườm nóng, xoa dầu nóng, mật gấu, đắp lá... vào vùng chấn thương càng làm tăng mức độ trầm trọng của tổn thương.