Nhiều người bị dị vật xương lớn mắc tại thực quản, phòng tránh thế nào?

Khi bị hóc dị vật, nên đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý sớm. Người dân không nên móc họng, nuốt nắm cơm lớn hay các mẹo dân gian khác làm dị vật bị đẩy xuống sâu hơn, gây khó khăn cho can thiệp...

Nhiều người lớn cũng bị hóc xương tại thực quản

Ngày 10/1, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, thời gian qua, Khoa Nội tiêu hóa đã tiếp nhận điều trị, can thiệp gắp dị vật cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị hóc xương lớn mắc tại thực quản trong quá trình ăn uống.

Mới đây, bệnh nhân nam (44 tuổi, ở phường Hà Trung, thành phố Hạ Long) ăn cháo gà bị hóc xương nhưng không đi khám ngay. Sau 3 ngày, bệnh nhân đến Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám trong tình trạng nuốt đau, nuốt nghẹn nhiều.

Kết quả chụp Ctscanner lồng ngực xác định có dị vật xương đâm vào thành thực quản đoạn 1/3 trên gây dày thành thực quản đoạn tương ứng, thâm nhiễm mỡ xung quanh. Bệnh nhân được chỉ định nội soi thực quản dạ dày ống mềm kiểm tra.

Nhiều người bị dị vật xương lớn mắc tại thực quản, phòng tránh thế nào? ảnh 1 Nhiều người bị dị vật xương lớn mắc tại thực quản, phòng tránh thế nào? ảnh 2

Thức ăn ứ đọng trên vị trí xương mắc và xương gà hình chạc 3 được gắp ra ngoài - Ảnh BVCC

Trong quá trình nội soi, các bác sĩ phát hiện tại thực quản vị trí cách cung răng trên 16 cm có dị vật xương gà hình chạc ba, dài 03 cm, sắc nhọn, đâm ngang thực quản làm ứ đọng thức ăn phía trên, thành thực quản tại vị trí xương đâm có vết rách ngắn, phủ giả mạc trắng, không thấy chảy dịch mủ. Ekip nội soi tiến hành dùng kìm gắp thành công chiếc xương ra ngoài.

Trường hợp khác là bệnh nhân nữ 35 tuổi, trú tại phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long. Bệnh nhân bị hóc xương cá từ tối trước ngày vào viện, sau hóc cảm giác nuốt vướng, nuốt đau vùng cổ.

Ekip nội soi Khoa Nội tiêu hóa đã tìm thấy dị vật xương cá lớn hình chiếc rìu, dài 03 cm, nhiều góc cạnh sắc nhọn mắc tại thực quản vị trí cách cung răng trên 17cm, bề mặt niêm mạc thực quản trầy xước nông, không chảy máu. Xương cá sau đó được gắp ra ngoài an toàn.

Sau khi gắp dị vật ra, các bệnh nhân đều cảm thấy thoải mái hơn, hết cảm giác khó nuốt, còn đau nhẹ vùng cổ, sức khỏe ổn định, được nhập viện tiếp tục theo dõi.

BS Nguyễn Văn Cảnh, Khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hàng năm, khoa Nội soi tiêu hóa gặp khoảng 100-120 trường hợp mắc dị vật trong đường tiêu hóa trên, như: Bàn chải đánh răng, vỏ thuốc, tai nghe Bluetooth, đồng xu, nhẫn, nắp chai, xương,… hoặc có thể là dị vật bã thức ăn.

Nguyên nhân do sự sơ ý của bệnh nhân nuốt phải, hoặc do thói quen ăn không nhai kỹ thức ăn có chất xơ, tanin nhiều (măng, hồng xiêm xanh, hỗn hợp tam thất mật ong bột nghệ thô...). Với nhóm dị vật là vật dụng, thường các bệnh nhân đến khám ngay sau khi nuốt phải.

Nhưng với những trường hợp không rõ nuốt dị vật, hoặc bị dị vật bã thức ăn nhiều ngày tạo thành, bệnh nhân thường có triệu chứng đau thượng vị, đầy bụng, nôn, hoặc gây ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột.

Nội soi gắp dị vật xương lớn cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Nội soi gắp dị vật xương lớn cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Rất nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời

BSCKI Nguyễn Quảng Đại, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, hóc dị vật trong lúc ăn uống như xương cá, xương gà… là tai nạn sinh hoạt khá thường gặp ở cả người người lớn hay trẻ nhỏ. Can thiệp gắp dị vật qua nội soi thực quản dạ dày là kỹ thuật thường quy tại nhiều bệnh viện.

Nếu không được can thiệp gắp dị vật sớm, dị vật có thể di chuyển qua vùng hầu họng và mắc tại thực quản gây ra các biến chứng nguy hiểm như: chảy máu, viêm loét, tạo ổ áp xe, nặng hơn là đâm thủng thực quản vào trung thất hoặc đâm vào các mạch máu lớn nằm sát thực quản gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra dị vật có thể di chuyển xuống các đoạn dưới của ống tiêu hóa như dạ dày, tá tràng, ruột non, đại tràng gây thủng vào ổ bụng.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm trên, đặc biệt trong các dịp lễ tết đang đến gần, mọi người cần ăn uống cẩn thận, ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế nói chuyện, đùa giỡn khi ăn.

Khi ăn cá, gà, vịt… có nhiều xương cần gỡ xương thật cẩn thận. Khi bị hóc xương nên đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được xử lý sớm. Người dân không nên móc họng, nuốt nắm cơm lớn hay các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng khác làm dị vật bị đẩy xuống sâu hơn, gây khó khăn cho can thiệp và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm." - Bác sĩ Đại khuyến cáo,

Theo VietnamDaily
back to top