Kim Ấn “Hoàng đế chi bảo”
Trong những cổ vật được Millon mới cháo đấu giá, kim ấn “Hoàng đế chi bảo” nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người dân và giới nghiên cứu Việt Nam.
Theo thông tin do hãng đấu giá Millon công bố, Kim Ấn “Hoàng đế chi bảo” là một ấn vàng đúc năm 1823, thời vua Minh Mạng (1820-1841). Chiếc ấn có chiều cao 10,4 cm, mặt ấn hình vuông, kích thước 13,8 x 13,7 cm, nặng 10,78 kg. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ “Vương” (王, nghĩa là vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.
Him ấn “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh: Millon. |
Mặt trên của ấn, ở hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (明命肆年貳月初肆日吉時 鑄造, nghĩa là Đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (拾成黃金重貳佰捌拾兩玖錢貳分", nghĩa là làm bằng vàng, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân).
Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ triện “Hoàng đế chi bảo” (皇帝之寶, nghĩa là Báu vật của hoàng đế). Đây được coi là kim ấn lớn nhất, đẹp nhất và quý nhất của triều Nguyễn.
Chiếc ấn này đã thất lạc và lưu lạc nhiều nơi trong những hoàn cảnh khác nhau trước khi trở thành tài sản riêng của cựu hoàng Bảo Đại khi ông sang Pháp định cư.
Bảo ấn “Hoàng đế chi bảo” từng được hãng đấu giá Millon rao bán đấu giá với mức giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu Euro (khoảng 49-73 tỷ đồng). Tuy vậy, sau những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, việc đấu giá ấn “Hoàng đế chi bảo” đã bị hủy, và hiện vật sẽ được hồi hương trong tương lại không xa.
Bát vàng thời vua Khải Định
Không được may mắn như kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, một cổ vật quý khác của nhà Nguyễn đã vào tay chủ nhân mới trong phiên đấu giá của hãng Millon ngày 31/10/2022.
Bát vàng triều vua Khải Định. Ảnh: Millon. |
Đó là hiện vật được đặt tên "bát vàng quý hiếm, triều đại vua Khải Định (1916-1925)", có giá khởi điểm là 15.000 euro (370 triệu đồng). Sau 12 phút với 68 lần nâng giá của người mua trực tiếp và thông qua điện thoại, chiếc bát được gõ búa ở mức 680.000 euro (tương đương 16,7 tỷ đồng), chưa bao gồm thuế phí, gấp 27 lần dự đoán của Millon (20.000-25.000 euro).
Theo thông tin của nhà đấu giá Millon, bát có đường kính miệng 10,4 cm, cao 7 cm, nặng 456,6 gam. Thân bát chạm trổ hình rồng, đáy bát khắc nổi bốn chữ (Khải Định niên tạo) ở chính giữa, lòng bát có màu nâu và được tráng một lớp thủy tinh. Bát có một vết nứt.
Hiện vật này nằm trong bộ sưu tập của một bác sĩ làm việc ở Huế vào thế kỷ 20.
Kim bài thời vua Duy Tân
Cũng trong phiên đấu giá kể trên, một kim bài thời vua Duy Tân (1907-1916) có giá khởi điểm từ 6.000-8.000 Euro, đã được bán với giá cuối cùng là 70.000 Euro (khoảng 1,75 tỷ đồng).
Theo hồ sơ của nhà đấu giá, chiếc kim bài này hình chữ nhật, cao 8,6 cm, rộng 4,3 cm, trọng lượng 37,5g, hai mặt có trang trí chạm nổi và đục chạm 5 con rồng, cá chép đang uốn mình sóng và các diềm hình học đóng khung khắc chữ Hán Việt trong hộp hình chữ nhật "Duy Tân ân tặng" (維新恩贈) và " Toàn quyền phủ quản lý " (全權府管理).
Kim bài "Duy Tân ân tặng". Ảnh: Millon. |
Kim bài này nằm trong bộ sưu tập của ông Paul Simoni (1863-1931), người từng làm Thủ hiến Bắc Kỳ và là ông cố của chủ sở hữu hiện tại. Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Paul Simoni đến Bắc Kỳ năm 1889 và làm Thủ hiến tại Bắc Kỳ, Hà Nội (1895) và Hải Phòng (1895).
Huân chương được trao tặng ở đây là một trong số rất nhiều huân chương mà Paul Simoni đã nhận được trong sự nghiệp hơn 25 năm của ông trong chính quyền Pháp ở Đông Dương.
Được biết, kim bài là loại huy chương hình chữ nhật làm bằng vàng, được triều đình nhà Nguyễn ban phát nhằm ghi nhận cộng trạng hoặc đẳng cấp của người đeo. Kim bài ban đầu chỉ được trao cho các thành viên của Hoàng gia cũng như các quan lại của triều đình An Nam, sau này được trao cho cả các quan chức Pháp kể từ khi chính quyền bảo hộ của Pháp được thành lập.
Mời quý độc giả xem video: Hà Nội: Hàng loạt vụ mất trộm cổ vật tại đình chùa | THDT.