Nhiều đập đã “hết hạn sử dụng”
Việt Nam hiện có 6.000 - 7.000 đập thủy lợi và thủy điện, được xây dựng ở những khoảng thời gian khác nhau. Nhiều công trình được xếp vào hàng “già cỗi” do tuổi thọ đã trên 50 năm. Về nguyên tắc, một hồ đập thông thường chỉ có tuổi thọ từ 50 - 60 năm. Các yếu tố như vận hành không tốt, thi công chất lượng kém, thiết kế không đảm bảo, biến đổi khí hậu, không bảo dưỡng dẫn tới hư hại... khiến tuổi thọ của hồ giảm đi.
Ở các nước khác, cứ đến một khoảng thời gian nhất định là họ sẽ lập danh sách các hồ đập quá tuổi thọ để sửa chữa hoặc lên phương pháp phá bỏ. Ở ta, chưa có một công trình nào phải phá bỏ vì đã hết tuổi thọ sử dụng. Và cũng chưa có một đơn vị nào đứng ra đánh giá lại các hồ đã hết tuổi thọ này cũng như hướng giải quyết. Nếu không thực hiện những việc này, sẽ không tránh khỏi các sự cố. Đó có lẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các hồ bị vỡ, rồi để cứu hồ thì phải xả lũ bất thình lình gây ngập úng cho người dân.
Quy hoạch không hợp lý, thậm chí sai lầm rồi, tổ chức thực thi quy hoạch công trình thủy điện đã và đang “băm vụn” các dòng sông vốn bao năm nước chảy xuôi dòng, thành từng khúc nhỏ với những điều kiện dòng chảy, nguồn nước rất khác biệt so với tự nhiên theo hướng ngày càng xấu làm dòng sông suy thoái nghiêm trọng. Không cam kết bảo vệ môi trường, không thu dọn lòng hồ, không duy trì dòng chảy tối thiểu; không vận hành theo quy trình hoặc chỉ vì lợi ích của tổ chức, cá nhân mình nên gây gia tăng lũ ở hạ du, suy kiệt nguồn nước ở hạ du...
Bảo dưỡng tốn kém hơn xây mới
Các chuyên gia cho rằng, giải pháp đưa ra đối với những hồ đã hết hạn sử dụng là sửa chữa khắc phục, thực hiện công tác bảo dưỡng. Thế nhưng việc sửa chữa một hồ chứa để chúng hoạt động trở lại bình thường rất tốn kém. Thậm chí có những hồ, nếu sửa chữa lại theo đúng các yêu cầu kỹ thuật, kinh phí sẽ có thể cao hơn là xây mới. Không nhà đầu tư nào muốn phá bỏ tài sản của mình để xây mới, nên họ cứ tận dụng đến khi nào còn có thể. Bởi thế, công trình ngày càng xuống cấp, và vỡ đập là điều khó tránh khỏi.
Theo TS Đào Trọng Tứ, Trung tâm Bảo tồn tài nguyên nước và Thích nghi với biến đổi khí hậu, phải kiên quyết mạnh tay, với những hồ đập không khắc phục được thì phải phá bỏ. Năm 1993, Hà Nội cũng đã vay tiền của Ngân hàng châu Á (ADB) làm lại hệ thống đê Hà Nội, đập Đô Lương, đập Bái Thượng. Biết là tốn kém, nhưng vì sự an toàn của người dân thì buộc phải làm. Hàng nghìn hồ đập ở Việt Nam hiện nay, kinh phí đầu tư chắc chắn là không nhỏ.
Theo TS Lê Bắc Huỳnh, một vấn đề nữa của các hồ chứa là việc lấn chiếm trái phép lòng hồ, san tôn nền, đào ao, đắp đập trong vùng bán ngập để xây dựng công trình, nuôi cá, chăn nuôi gia cầm, gia súc… ở quy mô lớn. Việc xả chất thải, nước thải trực tiếp vào hồ thủy điện đang diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm qua nhưng nay chưa được ngăn chặn. Do vậy, năng lực nhiều công trình thủy điện bị suy giảm, chất lượng nước ở nhiều hồ có thời kỳ bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn và bền vững của công trình.
Việc xây dựng và vận hành không hợp lý nhiều công trình thủy điện đang gây những tác động bất lợi đối với đời sống, sinh hoạt của nhiều cộng đồng dân cư; nhiều hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp không được xử lý, khắc phục kịp thời dẫn đến vỡ, đã có nhiều trường hợp sự cố vỡ đập, tràn đập gây hậu quả khó lường, chủ yếu do quản lý kém.
Theo các chuyên gia, nếu không có biện pháp khắc phục “mạnh tay”, các hồ đập này sẽ trở thành những “bom” nước trên đầu dân. Đánh giá hiệu quả của công trình không thể chỉ đánh giá ở hiệu quả kinh tế. Đập mà đã hư hỏng thì ai cũng biết. Nhưng ai là người phá bỏ đập đã hỏng, thì phải có chế tài quản lý chặt chẽ.