Tính toán kịch bản rất phức tạp
TS Đào Trọng Tứ, Trung tâm Bảo tồn tài nguyên nước và thích nghi với biến đổi khí hậu cho biết, có thể khẳng định đến 99% rằng các đập nhỏ và vừa ở Việt Nam không có kịch bản vỡ đập. Về nguyên tắc, xây dựng kịch bản vỡ đập vô cùng khó khăn. Phải tính toán và dựng mô hình, đưa ra các tình huống xấu nhất, tính toán lan truyền sóng như thế nào. Phải có các số liệu đầu vào về khí tượng thủy văn, mực nước sông thay đổi trong các mùa, nguy cơ xảy ra lũ. Phải đưa ra giả thiết nếu xảy ra động đất thì đập sẽ vỡ thế nào. Nếu đập vỡ thì phải tính bằng mô hình hóa nó sẽ vỡ từ đâu, bao nhiêu lâu thì sẽ vỡ đến điểm A, bao nhiêu lâu đến điểm B. Chỗ nào ngập nặng, chỗ nào ngập nhẹ. Vỡ điểm A thì chỗ nào phải chạy trước.
Trong khi đó thủy điện ở Việt Nam phát triển quá nóng, quá nhiều lực lượng tham gia vào làm thủy điện. Nhà đầu tư chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế mà ít để ý đến các tác động khác. Quản lý thì lỏng lẻo, chứ nếu quản lý tốt thì sẽ không có chuyện đó.
TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng chung ý kiến. Ông cho rằng việc đánh giá tác động môi trường, xem xét các khả năng vỡ đập là yêu cầu buộc phải làm, thế nhưng chẳng ai chú ý đến điều này. Ngay trong giới khoa học cũng đã lên tiếng cảnh báo, thế nhưng ban quản lý các công trình này dường như không để ý. Các tình huống vỡ đập có được đưa ra thì cũng chỉ nói qua loa chứ không được tính toán kỹ càng.
Không quy định cụ thể phương án kỹ thuật
Trước tình trạng hàng loạt đập bị vỡ trong thời gian qua, TS Lê Bắc Huỳnh cho rằng nguyên nhân là do trong chính các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn của đập cũng không quy định rõ ràng các phương án kỹ thuật để phòng tránh và chủ động trước các nguy cơ vỡ đập. Thậm chí có những thủy điện vỡ ngay khi đang thi công như thủy điện Cửa Đạt. Để có phương án kỹ thuật đúng thì phải tập dượt các phương án, tính toán các nguy cơ để giảm thiểu tác hại.
Các công trình thủy điện lớn trên thế giới họ đều không bỏ qua khâu kịch bản vỡ đập. Để xây dựng kịch bản hoàn chỉnh thì phương án kỹ thuật đưa ra cũng phải hoàn thiện. Nhưng ở Việt Nam, ngay như thủy điện Sông Tranh 2 hay thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng đều không có kịch bản này. Họ mới chỉ đưa ra một vài dự báo sơ sài. Hệ quả là khi có sự cố, không có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Một vấn đề cần tính đến trong kịch bản vỡ đập là hệ thống thủy điện bậc thang khá phổ biến. Nếu xảy ra vỡ đập thì nguy cơ cho người dân hạ du sẽ khủng khiếp. Ví dụ cụ thể là trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn có 10 dự án thủy điện bậc thang. Nếu chỉ một công trình sự cố vỡ đập sẽ kéo theo vỡ đập liên hoàn, thảm họa sẽ vô cùng lớn. Vì vậy việc xây dựng phương án ứng phó sự cố vỡ đập thủy điện là hết sức cần thiết nhằm giúp cho địa phương chủ động ứng phó hạn chế đến mức thấp nhật thiệt hại về người và tài sản của nhân dân vùng hạ du.
Hà Bình
“Nhiều khi, chính những người xét duyệt thông qua công trình thủy điện cũng không có chuyên môn sâu. Họ chỉ nhìn sơ sơ xem phối cảnh nó thế nào, mỗi năm thu được bao nhiêu tiền thuế. Họ không biết rằng đó chỉ là bức tranh vẽ. Thực tế thi công, vận hành thì khác xa rất nhiều bức phác họa ban đầu đó”, TS Lê Bắc Huỳnh.