Liệt 2 chân vì thói quen gác chân lên táp-lô xe ô tô

Gác chân lên táp-lô khi ngồi ở ghế phụ là thói quen của không ít người khi ngồi trên ô tô, tuy nhiên khi xảy ra tai nạn đã có rất nhiều trường hợp bị chấn thương nghiêm trọng bởi hành động này.

Gác chân lên táp-lô của ô tô, người đàn ông bị tai nạn liệt cả 2 chân

Vừa qua, Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện E đã tiếp nhận nam bệnh nhân T.V.T 51 tuổi, (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốc chấn thương, đau nhiều vùng thắt lưng kèm theo rối loạn mạch, huyết áp và mất cảm giác hai chân do tai nạn khi để chân lên nắp táp-lô.

Qua khai thác, ông T. gặp tai nạn trên đường đi làm về, ngồi ở ghế phụ của xe ô tô. Người này có thói quen gác chân lên táp lô (bảng điều khiển ô tô) cho thoải mái. Khi tài xế tránh chướng ngại vật, xe ô tô đã đâm vào cột điện.

BS. Bính thăm khám cho nam bệnh nhân H - Ảnh báo Sức khỏe và Đời sống

BS. Bính thăm khám cho nam bệnh nhân H - Ảnh báo Sức khỏe và Đời sống

Tai nạn khiến ông T. gặp đa chấn thương: chấn thương tại ngực - tràn dịch màng phổi, chấn thương bụng, chấn thương cột sống.

ThS.BS Phạm Văn Bính - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện E, cho biết, phim chụp của bệnh nhân cho thấy hình ảnh gãy vỡ đốt sống L3, L4. Chấn thương rất nặng nề, di chứng liệt 2 chân.

Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, nắn chỉnh cột sống trở về bình thường đồng thời xem xét việc tổn thương tủy để có hướng giải pháp. Sau đó, bệnh nhân cần thực hiện tập phục hồi chức năng trong thời gian dài để lấy lại cảm giác cho đôi chân.

Ngồi gác chân lên táp-lô ô tô nguy hiểm như nào?

Khi ngồi ở ghế phụ phía trước của ô tô, nhiều người thường gác chân lên táp lô cho đỡ mỏi mà không biết rằng thói quen này có thể khiến người ngồi trong xe “trả giá đắt”.

Theo thiết kế của nhiều hãng xe, táp lô bên ghế phụ là nơi túi khí bung khi ô tô xảy ra va chạm. Trong một số trường hợp, túi khí cũng có thể bung do lỗi kỹ thuật. Tốc độ bung của túi khí rất nhanh, vào khoảng 160 đến hơn 300km/h. Với tốc độ này sẽ gây nguy hiểm nếu có người ngồi gác chân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc bung túi khí với tốc độ nhanh sẽ tạo ra lực lớn có thể gây ra nhiều dạng chấn thương khác nhau. Chẳng hạn, lực bung của túi khí sẽ hất văng chân làm gập người lại, đầu gối có thể đập vào mặt hoặc vai với lực cực mạnh, gây tổn thương nặng cho cả vùng đầu vai và chân. Đồng thời, cơ thể khi bị gập lại đột ngột cũng có thể gây tổn thương cho phần thắt lưng.

Hoặc lực bung cũng có thể làm bẻ ngoặc chân về hướng nghịch, gây tổn thương nặng nề, đến phần xương ở chân và đùi, cùng những tổn thương khác về gân, dây chằng, thần kinh... là những tình huống có thể xảy ra.

Như vậy, nếu gác chân lên táp lô, trong trường hợp xảy ra va chạm mạnh, đột ngột, bạn sẽ không kịp rút chân xuống bởi túi khí bung rất nhanh. Lúc này túi khí sẽ khiến đầu gối của bạn gập lại, chân đập vào mặt với lực cực mạnh, gây tổn thương cho mắt, trán, mũi... rất nguy hiểm.

Theo VietnamDaily
back to top