Đã có công nghệ
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Y sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nếu công nghệ xử lý rác thải là hợp lý, đặc biệt giá trị mỗi suất đầu tư cho dây chuyền xử lý đạt được yêu cầu về mặt kinh tế thì rác thải điện tử chính là một mỏ vàng.
Trước đây, các loại linh kiện điện tử thường có cấu tạo từ vàng để dẫn điện tốt, thường được tách ra, sau đó nung lên và tách chiết để lấy vàng. Mặc dù công nghệ này đã cũ, khả năng thu hồi vàng là ít nhưng vẫn có khá nhiều người đã làm.
Gần đây, tại Việt Nam đã có nhà máy chuyên xử lý rác thải điện tử. Họ đã đầu tư dây chuyền, tách được các phần bột làm mạch in, phần kim loại từ rác thải điện tử nói riêng. Phần kim loại lẫn gồm đồng, chì… được bán sang các nơi khác để họ tách và chiết suất lấy các kim loại có giá trị. Quy trình cơ bản của họ là nghiền toàn bộ mạch PCB thành dạng bột sau đấy qua một bộ quạt thì các loại bột nhẹ sẽ bay lên, phần đồng và kim loại nặng sẽ rơi xuống phía đường dẫn dưới và sẽ được tinh chế lại để đúc thành từng thỏi một. Tuy rằng còn thô sơ nhưng nếu họ được đầu tư và hỗ trợ từ phía Chính phủ và sự kết hợp với các trường đại học thì việc tách các kim loại quý sẽ đạt được hiệu quả cao hơn, giá trị rác thải sẽ có được giá cao hơn là bán các rác thải thô như hiện nay.
Vẫn là bài toán phân loại từ đầu nguồn
Theo TS Nguyễn Phan Kiên, việc “khai thác mỏ vàng” rác thải điện tử không thể nói là dễ vì cần năng lượng tương đối lớn để đổi lại lấy một lượng tài nguyên tương đối ít ỏi. Nhưng nếu bài toán vận hành tốt, cơ chế hỗ trợ hợp lý thì chắc chắn sẽ có thể khai thác được tốt.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn chưa thể lo được vấn đề này vì chúng ta còn có quá nhiều thứ cần đầu tư và xử lý trước khi xử lý đến núi rác công nghệ.
Núi vàng đầu tiên trong mảng rác thải đó chính là phân loại rác đầu nguồn tốt để rác thải hữu cơ có thể biến thành phân compost; rác thải nhựa có thể tái chế thành các hạt nhựa tái chế và thu hồi nguyên vật liệu như dầu, hạt nhựa tái chế; hay giấy có thể được tái chế vào các mục đích khác mà giá thành sản phẩm đầu ra có thể giảm được nhiều hơn và rác thải điện tử có thể thu hồi lại được một lượng kim loại quý hiếm mà nó là nền tảng để chế tạo các linh kiện điện tử mới.
TS. Nguyễn Phan Kiên cho biết, để làm được điều này, người dân cần phải phân loại rác tại nguồn, tách rác thải ra thành nhiều túi trước khi thải bỏ ra môi trường. Hành động này có thể giúp ích cho các công nhân vệ sinh và đem lại lợi ích lớn cho môi trường.
“Về cơ bản, rác thải điện tử cũng như rác thải nói chung, Chính phủ cần phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng các phương án phân loại rác thải đầu nguồn. Nếu không phân loại được rác thải từ đầu nguồn thì không chỉ rác thải điện tử mà còn rác thải thông thường cũng không mang lại giá trị vốn có của nó”.
TS Nguyễn Phan Kiên