Đừng chủ quan
Hiện nay, rác thải điện tử trong gia đình rất lớn: Pin qua sử dụng, đầu máy video, đầu đĩa, DVD, điện thoại di động, máy nghe nhạc, tivi, quạt, tủ lạnh… bị hỏng, lỗi, chậm chí là không hỏng nhưng vì đời cũ nên bị thải bỏ. Tuy nhiên thay vì loại bỏ, nhiều người tích chúng trong gia đình vì tiếc và mong muốn tận dụng chúng vào việc nào đó.
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Y sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, về cơ bản thiết bị điện tử dân dụng không có mấy nguy hại. Nếu trong trường hợp tích trữ tại nhà thì thường mất không gian lưu trữ.
Tuy nhiên, cũng có một số thiết bị điện tử có thể gây nguy hiểm, ví dụ như một số bóng đèn hình CRT của các tivi đời cũ. Bình thường thì không có vấn đề gì nhưng trong trường hợp bị vỡ thì khá nguy hiểm vì bên trong màn hình thường được phủ một lớp photpho để khi các điện tử bắn vào thì phát sáng, khi vỡ nó sẽ phát tán ra môi trường và có khả năng gây độc.
Tương tự, các màn hình LCD bình thường thì không sao nhưng nếu bị vỡ thì khả năng nhiều hạt tinh thể lỏng của màn hình có khả năng khuếch tán vào không khí mà đa số các loại chất này là các chất độc hại.
Tận dụng lại phải có kiến thức
Theo TS Nguyễn Phan Kiên, việc tận dụng lại đồ điện tử thải bỏ vào những mục đích khác trong cuộc sống là có thể nếu người dân có đủ khả năng, trình độ và kiến thức. Ví dụ như một số ti vi bóng hình CRT đã được một số người chế lại thành bể cá khá đẹp. Hoặc có người sử dụng các thiết bị điện tử cũ để tạo ra các vật trang trí trong nhà cũng khá hay.
Tương tự nếu là kỹ sư điện, điện tử, người dân có thể tận dụng các linh kiện cũ trong việc chế tạo các thiết bị điện tử mới (ví dụ như các bóng điện tử ngày xưa nay được săn lùng để chế tạo các bộ amply có chất lượng cao).
Ngoài ra, một số người có khả năng có thể sử dụng đồ điện tử cũ để chế tạo ra các sản phẩm ứng dụng hoặc các sản phẩm mỹ thuật cũng khá sáng tạo và có thể thu về được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, số người có khả năng, trình độ để làm những việc như thế này không nhiều.
Hơn thế, theo TS Nguyễn Phan Kiên, tại các hộ gia đình, sau khi tháo các linh kiện có giá trị, đa số các bo mạch còn lại thường bị bỏ ra bãi rác. Đây là điểm nguy hại cho môi trường vì hiện nay, rác thải của Việt Nam chưa phân loại tại đầu nguồn cho nên các loại rác lẫn với nhau. Khi các loại rác thải điện tử này bị bỏ ra môi trường rất nguy hiểm vì chúng không thể phân hủy hoặc thời gian phân hủy của nó vô cùng lâu.
Chính vì vậy, TS Nguyễn Phan Kiên ủng hộ quan điểm nên bán “đồng nát” trong trường hợp các thiết bị đã hỏng hoặc quá cũ thay vì tích trữ hoặc tự ý tháo gỡ vào các mục đích khác nhau. Lý do là vì hiện nay các thiết bị này sẽ được bán lại cho các cửa hàng sửa chữa để lấy vật tư thay thế, hoặc bán lại cho các cửa hàng thu mua, nơi mà các vật liệu được phân loại ra. Có một số cửa hàng họ bỏ đi sau khi lọc bỏ nhưng có một số cửa hàng đã thực hiện tập trung và chuyển tới các nhà máy xử lý rác thải điện tử để xử lý. Ít nhiều, theo cách này thì các sản phẩm điện tử bỏ đi còn có cơ hội để được xử lý và thu hồi các nguyên liệu quan trọng.