Lao hạch không lây

Bệnh lao hạch không lây thường gặp ở vùng cổ, xuất hiện nhiều ở trẻ em. Các hạch viêm thông thường (do thương tổn răng, miệng, mũi… ) là nơi vi khuẩn lao dễ dàng xâm nhập, khu trú và dẫn đến lao hạch.

Lao hạch cần xử lý nhanh

Hỏi: Bạn tôi vùng cổ sưng to và đi khám chẩn đoán bị lao hạch. Tôi thường xuyên nói chuyện cùng thì có nguy cơ bị lây lao không? Có phải bị lao hạch thì cần phải mổ vét hạch?

Đặng Thùy Chi (Đà Nẵng)

TS.BS Đặng Văn Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện phổi Trung ương:

Đường xâm nhập của trực khuẩn lao có thể do nhiễm khuẩn lao toàn cơ thể (như trong lao phổi), gây viêm hạch nhiều chỗ. Trực khuẩn lao có thể xâm nhập trực tiếp vào đường bạch huyết qua thương tổn lao ở niêm mạc miệng, hoặc từ một tổn thương thông thường do sang chấn, nhiễm khuẩn. Trực khuẩn lao qua niêm mạc miệng đi vào đường bạch huyết (lao hạch tiên phát), có khi xâm nhập hệ thống bạch huyết qua niêm mạc miệng mà không để lại dấu vết gì.

Bệnh lao hạch là một thể trong số các bệnh lao  hay mắc phải. Lao hạch khác lao phổi là không lây lan cho những người tiếp xúc xung quanh. Bởi vi khuẩn lao chỉ khu trú và phát triển trong hạch mà không bùng phát ra ngoài. Nhưng cách điều trị lao hạch cũng tương tự lao phổi là chủ yếu dùng phương pháp nội khoa như  dùng các loại thuốc tùy các giai đoạn để ức chế dẫn đến tiêu diệt vi khuẩn lao. Chỉ áp dụng phương pháp ngoại khoa là rạch, mổ lao hạch khi hạch quá to gây chèn ép các bộ phận liên quan gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng, hạch bị mủ và có nguy cơ sắp vỡ. Nhìn chung, bị lao hạch cần đi khám và áp dụng đúng chỉ định điều trị, không ảnh hưởng đến những người xung quanh.

PH (ghi)

Theo Đời sống
back to top