Hỏi: Tôi bị viễn thị từ nhỏ và phải đeo kính. Tôi rất lo con tôi bị viễn thị. Không biết bệnh này có tính di truyền không?
Tôi nhìn xa khá hơn nhìn gần nhưng nói chung là mắt rất kém, tại sao lại như vậy? Có thể tập luyện để mắt hết viễn được không? Tôi bị viễn thị rồi thì chắc sau này không bị lão thị nữa?
Nguyễn Thị Hân (Chung cư Đại Thanh, Hà Nội).
Ths.BS Bùi Cẩm Hương, BV Mắt Sài Gòn trả lời: Không có chế độ làm việc và nghỉ ngơi nào để mắt hết viễn thị. Viễn thị bẩm sinh thì phải đeo kính từ nhỏ.
Nhiều người nhầm lẫn giữa viễn thị và lão thị. Viễn thị là sự sai lệch về tật khúc xạ, có nghĩa là đường đi của tia sáng ở mắt bị viễn khác so với mắt bình thường.
Khi bị bệnh viễn thị, các tia sáng tới song song vào mắt sẽ hội tụ ở phía sau võng mạc. Bệnh viễn thị hay gặp ở người già. Lão thị là sự sụt giảm thị lực ở thị giác gần từ khoảng 40 tuổi.
Lão thị có tính sinh lý do tuổi già. Bị viễn thị rồi thì vẫn bị lão thị khi về già. Khi đeo kính, kính viễn và lão đều đeo kính số cộng, cận thị đeo kính số trừ.
Viễn thị có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, bẩm sinh, một số bệnh lý khác. Lão thị xảy ra khi tuổi già đến. Nhìn chung người viễn thị nhìn xa hay gần đều kém, người lão thị nhìn xa tốt hơn nhìn gần.
Người viễn thị thường do bẩm sinh cầu mắt ngắn; do di truyền. Nếu cha mẹ bị viễn thị thì con sinh ra có nhiều khả năng mắc căn bệnh này.
Một số trường hợp mắc bệnh do không giữ đúng khoảng cách nhìn khi học bài, làm việc, thường xuyên nhìn xa khiến thể thủy tinh luôn xẹp xuống (dãn ra), lâu dần mất tính đàn hôi, mất dần khả năng phồng.
Đối với người già thì nguyên nhân do thể thủy tinh đã bị lão hóa, mất tính đàn hồi, không phồng được. Mắt đã viễn thị thì không thể tập luyện để nhìn trở lại bình thường được mà phải đeo kính.
PV ghi