Chuyện những người bán máu
Hành trình tìm mộ Hoàng đế Quang Trung (1)
Nhưng ít ai biết được rằng, cũng chính nhờ câu kiều này, những người đàn ông nơi đây đã tạo nên làng “vớt xác”. Việc làm của họ xuất phát từ cái tâm, và là hy vọng cuối cùng của những gia đình mất mát người thân.
Nằm lọt thỏm ở khu đất rộng lớn nhô ra nơi hạ nguồn sông Côn, thôn Bình Thái được bao bọc xung quanh là hàng ngàn cây đước.
Nơi đây như một thế giới tách biệt bồng bềnh trên sóng nước và là nơi trú ngụ, sinh hoạt, kiếm sống của 258 hộ gia đình với hơn 1.200 nhân khẩu.
Ở làng chài này, có hàng trăm hộ chuyên sống bằng nghề đánh bắt trên sông và họ còn kiêm luôn việc vớt xác, mà với họ đó là nghiệp vớt xác.
Theo chân trưởng thôn Võ Văn Thà, chúng tôi tìm đến nhà anh Võ Văn Bảy – người đàn ông vừa trở về sau 2 ngày ngâm mình dưới nước để lặn tìm xác một người phụ nữ đuối nước ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định).
Người đàn ông này mới 40 tuổi, vóc người nhỏ bé, làn da rám nắng, đỏ au pha lẫn sạm đen nhưng đã có hơn 20 năm với nghiệp vớt xác.
Trong tháng 11 vừa qua, Bình Định gánh chịu nhiều thiệt hại do bão số 12 và sau đó là hai cơn lũ liên tiếp. Thôn Bình Thái là vùng rốn lũ của tỉnh nên mỗi khi có lũ về là khu vực này ngập đến nửa nhà.
Nhà anh Bảy nằm sát rìa sông nên nước lũ lên gần tới nóc. Ấy vậy nhưng, hễ nghe ai gọi đi tìm xác người chết là anh gác lại việc nhà, nhanh chóng cùng nhóm vớt xác trong thôn lên đường. Xong việc, người đàn ông này mới quay về dọn dẹp nhà cửa và lo cuộc mưu sinh.
Thôn Bình Thái nằm lọt trong khu đất rộng nhô ra nơi hạ nguồn sông Côn.
Anh Bảy bảo, vào mùa mưa lũ, nước sông Côn dâng cao làm nhiều người đi qua đập tràn không may sẩy chân chết đuối.
Cách đây vài hôm, khi đang dọn dẹp nhà cửa, ông Ánh (lão làng vớt xác ở thôn) gọi đi tìm xác một phụ nữ không may trượt chân té ngã trong lũ nên hơn chục người trong thôn đem theo câu kiều để lặn tìm xác.
“Chị ấy gần 50 tuổi, đang đi làm về thì không may trượt chân té ngã ở bờ tràn. Lúc đó, nước sông chảy mạnh nên người dân địa phương tìm rất khó khăn.
Sau hơn một ngày tìm không ra, họ mới gọi chúng tôi. Tuy nhiên, nơi đây có nhiều đá ngầm cộng với hai bên bờ sông có nhiều bụi tre nên tìm rất khó.
Anh em chúng tôi thay nhau giăng cầu kiều lặn 2 ngày mới tìm thấy xác mắc kẹt ở rễ một bụi tre. May mà vẫn nguyên vẹn”, anh Bảy cho biết.
Nghe đến câu kiều, có lẽ những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó mà hình dung rằng đây là một ngư cụ dùng để đánh bắt cá.
Câu kiều có hình dạng cũng giống như một tấm mành trúc treo cửa, đầu là một thanh mò o dài khoảng hai gang tay nằm ngang.
Dọc thanh mò o được đục lỗ để mắc nhiều lưỡi câu, mỗi lưỡi câu được nối với các phao bằng xốp thông qua các sợi lưới.
Khi thả câu kiều, tùy vào vùng nước nông hay sâu mà người thả buộc thêm vào lưới một sợi dây thả xuống sông cho tới khi các lưỡi câu chạm đáy.
Chất liệu lưới làm từ sợi ni lông, lưỡi câu làm bằng inox sáng bóng, có độ cong để khi con mồi chạm vào lưỡi câu sẽ tự về quay phía con mồi khiến con mồi không kịp trở tay dính bẫy.
Rồi dần thấy một số xác chết trôi sông, biển, thợ lặn chuyên nghiệp không tìm thấy được nên những ngư dân thôn Bình Thái dùng câu kiều câu thử thì không ngờ vớt được xác.
Từ đó tiếng đồn xa, nhiều người biết đến họ nên có việc mất tích hay đuối nước chết, gia đình nạn nhân lại tìm đến để nhờ cứu vớt.
“Nhưng điều lạ là khi vớt thi thể rồi thì lưới câu kiều không thể dùng được nữa, phải bỏ dùng lưới mới. Bình thường dùng đánh bắt tuổi thọ lưới phải kéo dài 20 năm nhưng khi lưới đó dùng vớt người thì chỉ dùng cùng lắm là 3 năm tự nó mục đi.
Tôi chỉ thấy lạ mà không thể giải thích tại sao. Bất lợi là câu kiều chỉ vớt được người ở vùng nước bằng phẳng, còn vùng nước có đá ngầm thì rất khó.
Người phụ nữ ở An Nhơn là nhờ một phần cơ thể nằm ra ngoài chỗ trống, chứ nếu nằm kẹt hết trong bụi tre thì chưa chắc đã tìm được”, anh Bảy cho biết.
Anh Bảy giăng câu kiều trên sông Côn.
Theo ông Võ Trọng Ánh (55 tuổi), mỗi năm ngư dân làng chài Bình Thái vớt khoảng 40 xác chết với đủ kiểu đến với tử thần. Nhưng nhiều nhất vẫn là vào mùa mưa lũ.
Ông Ánh vẫn còn nhớ như in trường hợp chết vào tháng 11-2015, trong lúc đang bơi thuyền trên nhánh sông Côn trước nhà thì ông ngửi thấy mùi hôi bốc lên nồng nặc. Ông đoán ra ngay đó là mùi xác chết.
Ngay lập tức, ông hô hào những thanh niên trẻ tuổi “trong nghề” cùng tìm kiếm. 3 giờ đồng hồ sau, nhóm tìm kiếm phát hiện một thi thể nam đang trong tình trạng phân hủy.
“Phần vai và chân của thi thể người đàn ông móc vào lưỡi câu. Tôi vội đưa thi thể ra khỏi luồng rác, tắm rửa nhẹ, lấy hết rác, sau đó đưa lên bờ rồi nhờ lực lượng chức năng báo với người nhà”, ông Ánh kể.
Ông Ánh không nhớ nổi mình đã vớt xác bao nhiêu lần. Ông bảo, nếu gặp xác chết mới, lưỡi câu vương vào quần áo, da thịt thì dễ đưa được lên bờ rồi khâm liệm.
Tuy nhiên, gặp xác chết lâu ngày thì vất vả hơn. Chỉ đụng vào là thân thể tả tơi nên phải nhẹ tay nâng xác, tránh không làm cho thân xác của người chết rơi rụng.
“Vào mùa hè thời tiết nóng, người chết chưa đến 24 tiếng đã nổi, nhưng vào mùa đông ít nhất phải mất đến 3 ngày nên có lúc lặn tìm vừa đuối vừa lạnh”, ông Ánh bộc bạch.
Theo cha đánh bắt trên sông từ khi lên 10, đến nay anh Nguyễn Minh Thảo (39 tuổi) đã theo nghề đánh bắt thủy sản bằng câu kiều cũng gần 30 năm.
Và cũng ngần ấy năm cái nghiệp vớt xác người chết đuối vận vào anh. Nhiều năm trong “nghề”, anh chia sẻ rằng việc đưa xác lên bờ cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, nhất là khả năng xử lý tình huống để không bị “mang theo”.
Một nhánh sông Côn đi qua thôn Bình Thái, nơi xảy ra nhiều vụ chết đuối.
Không phải cứ chụp đại là kéo xác ngay lên được. Phải dựng xác thẳng đứng, ôm ngang hông, nắm một tay choàng qua vai, tay kia vịn vai còn lại rồi mới kéo lên.
Đưa xác lên bờ, người vớt cởi quần áo xác, tắm rửa bằng xà phòng, lau lại bằng rượu, chải đầu tóc, thay đồ khô rồi lấy mền chiếu đắp lên.
“Cứ nghĩ như họ đang ngủ. Lần tôi đưa xác một ngư dân bị kẹt khu vực gần vách đá, ngồi khum, tay chân co quắp, duỗi kiểu gì cũng không thẳng.
Lúc ấy, tôi tưởng bị chết ngộp rồi. Cuối cùng cũng đẩy được xác ra ngoài thoáng hơn. Không ít xác bị thối rữa, bốc mùi. Gặp trường hợp này, người vớt chọn cách thở bằng miệng để không ngửi nhiều mùi”, anh Thảo tâm sự.
Những người vớt xác ở đây cho biết, dù nỗ lực tìm kiếm đến đâu thì xác suất thành công của việc tìm kiếm cũng chỉ 80%. Những lần không tìm được xác, ra về trong lòng ai cũng trĩu nặng.
Và, không chỉ vớt xác cho người gặp nạn ở Bình Định, người dân vạn chài này còn sẵn sàng đi xa để tìm xác. Nhiều lần họ ngược lên các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum…
Cứ ở đâu có người nhờ giúp là họ lại sẵn sàng lên đường. Họ làm không phải vì công xá mà xuất phát từ cái tâm. Đến vùng nước lạ, người vớt thường đo độ nông sâu, xem chỗ nước hầm chão, nước xoáy rồi nhắm mình có đủ hơi lặn xuống đáy không.
Lắm khi đuối sức, đói và lạnh, nhưng nhiều gia đình quá đau buồn cứ nài nỉ nên họ cũng cố gắng tiếp tục.
Người dân thôn Bình Thái là những ngư dân cả đời bập bềnh cùng sông nước. Họ mưu sinh trên sông nên cuộc đời của họ lên xuống theo dòng nước sông Côn.
Vậy nên họ tôn thờ dòng sông vì nó mang đến cho họ cuộc sống. Họ thờ thần sông, vị thần đã che chở, nuôi dưỡng họ. Hằng năm, vào ngày 16-2 âm lịch, họ tổ chức lễ hội cầu ngư như một truyền thống có từ bao đời nay.
Nhưng một điều lạ thay, cả ngôi làng này, những con người ở đây luôn sẵn lòng tìm kiếm mỗi khi được tin có những phận người không may.
Khi tìm được xác, người thân của những người chết bao giờ cũng gửi tiền công cho nhóm vớt xác. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh gia đình, nếu gia đình nào khá giả thì họ nhận tiền công, gia đình nào khó khăn thì họ điếu lại, chấp nhận bỏ công, bỏ tiền xăng xe đi lại để giúp người.
Với họ, đồng tiền thì quý nhưng việc họ làm là để phúc cho đời. Miễn sao có sức khỏe, sống để làm việc có ích, dù tốn công, có khi là của, họ cũng thấy vui.
Có lẽ vì vậy mà nhiều gia đình, hằng năm cúng giỗ người mất, họ đều gọi điện mời những người từng vớt xác đến dự. Nhiều người còn quý mến, kết thân tình, gọi nhau “mẹ con”, “anh em” như người một nhà.
Ông Ánh hướng dẫn cách giăng câu kiều tìm xác người chết.
Ở nhiều xứ vạn, ngư dân không dám cứu người chết đuối, vì họ quan niệm rằng số mệnh của họ đến đấy là hết, “Hà Bá” đã lấy đi thì không ai dám cưỡng lại.
Nhưng người dân vạn chài Bình Thái đấu tranh với thủy thần là để phúc lại cho con cái. “Có gì mà kiêng với cữ, họ gặp nạn thì mình giúp như là nghĩa cử của người sống với người chết.
Ai kiêng thì mặc họ chứ riêng dân chài Bình Thái không kiêng cữ. Từ khi cái nghiệp này vận vào người, chúng tôi đã vớt được rất nhiều xác chết đuối, nhưng có sao đâu”, ông Ánh nói.
Cùng chung quan điểm với ông Ánh, trưởng thôn Võ Văn Thà bảo, ai nghĩ gì thì nghĩ, không thấy người bị nạn thì thôi chứ thấy nhất định phải giúp.
Thấy người chết không cứu thì sẽ ân hận, ám ảnh cả đời. Với ông, mang được xác người lên cho gia đình họ là đã làm được điều phúc lớn.
Chính vì vậy, cả làng chài vạn Bình Thái đều vớt xác người nhưng không ai xem vớt xác làm nghề nghiệp. Thế nhưng, khi cái nghiệp đã vận vào người thì họ sẵn sàng lao vào nơi nhọc nhằn và đầy ô nhiễm để tìm xác, cứu vớt một tâm linh khỏi chơi vơi nơi cửa sông nước.
“Mình cứ sống, cứ làm theo đúng cái tâm, ắt trời chẳng phụ. Ở đời có những ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa khoan dung và độ lượng, giữa ích kỷ và vị tha mà trên hết là những tấm lòng nhân ái”, ông Thà tâm sự.
Theo ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, việc dùng câu kiều vớt xác của ngư dân thôn Bình Thái xuất phát từ cái tâm.
Nhiều lúc sau khi tìm được xác người thân, gia chủ bồi dưỡng tiền nhưng những người làm việc này đều không lấy, chủ yếu giúp họ tìm được xác càng sớm càng tốt.
Nghề vớt xác chết bằng câu kiều ở đây ngày càng được nhiều người biết đến như một cứu cánh hy vọng cuối cùng của những gia đình lâm hoàn cảnh mất người thân bị đuối nước mà chưa tìm thấy.
Phan Nhuận Phin (Theo CAND)