Thầy thuốc Dương Thị Hiến nhân giống nhiều loại dược liệu tại vườn nhà.
Làng nữ thầy lang
Làng thuốc Yên Sơn, Ba Vì nằm nép dưới dãy núi thiêng Ba Vì – nơi được mệnh danh là một trong những vựa thuốc ở miền Bắc. Có lẽ, vì sinh ra ở cái nôi dược liệu nên bà con dân tộc Dao, Mường nơi đây cũng rất giỏi bốc thuốc. Kiến thức, kinh nghiệm của bà con có thể coi là pho tàng dược mà khó có thể so sánh hay quy đổi bằng tiền bạc.
Nhưng có điều lạ là từ xa xưa, người ta chỉ thấy toàn phụ nữ làm thầy thuốc, rất hiếm khi có người nào là nam giới làm làm thầy thuốc. Điều này có liên quan đến nét văn hóa, phong tục và không gian văn hóa của người Dao vùng Ba Vì.
Điểm làm nên sự lừng danh của làng thuốc Yên Sơn không gì khác đó chính là chất lượng chữa bệnh. Từ khi Tây y chưa phát triển, chưa có các tiến bộ về y học thì người làng Yên Sơn đã chữa bệnh bằng những nắm thuốc Nam gia truyền. Nhiều người đã khỏi bệnh, có người sống qua trăm tuôi là chuyện quá đỗi bình thường.
Thầy thuốc danh tiếng Dương Thị Hiến, làng thuốc Yên Sơn kể: Người làng Yên Sơn không biết tổ nghề thuốc là ai. Thông tin có kiểm chứng và duy nhất mà nhân dân nơi đây biết đó là lịch sử làng thuốc xuất hiện từ thế kỷ thứ XIII. Đặc điểm chung của nghề đó là cha truyền con nối, gia đình nào có bí kíp riêng của gia đình đó, miễn là chữa khỏi bệnh cho càng nhiều người càng tốt. Tư liệu lịch sử ghi chép về làng nghề cũng rất ít hoặc không có mà chỉ có trong gia phải của vài dòng họ. Đây cũng chính là đặc điểm phát triển của làng thuốc Yên Sơn.
Có lẽ vì lịch sử hình thành, văn hóa thành văn chưa phát triển nên đến nay, dân làng không thể biết được tổ nghề của mình là ai.
Cũng theo thầy thuốc Dương Thị Hiến thì, việc bốc thuốc ở Yên Sơn xưa nay là việc của phụ nữ. Cũng giống như ở một số vùng đồng bằng Bắc bộ phụ nữ chỉ làm những việc như dệt lụa, cấy lúa, còn đàn ông làm những việc nặng nhọc. Làng Yên Sơn cũng vậy. Chính vì đặc điểm này nên xưa nay, làng Yên Sơn rất ít đàn ông làm thầy thuốc.
Hiện nay, chỉ có ông Lý Văn Nguyên là nam thầy thuốc duy nhất ở làng Yên Sơn. Vị thầy lang cũng khá nổi tiếng. Còn lại, đàn ông chỉ làm công việc mang tính phụ trợ như đi rừng lấy thuốc, khuân vác giúp vợ con trong nhà. Cũng giống như nam giới ở một số vùng quê Bắc bộ, đàn ông thường làm những công việc nặng nhọc và học chữ nho.
Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Ba Vì bày tỏ: Bên cạnh việc dùng thuốc tây thì chị thường đến làng Yên Sơn tìm kiếm thêm sự hướng dẫn của các thầy lang nhằm bảo vệ sức khỏe gia đình. Có những loại thảo dược chỉ cần uống hàng ngày như trà là đã có thể bảo vệ sức khỏe, chứ không đợi đến khi phát bệnh mới chạy đến thầy thuốc. Qua quan sát, chị Hoa cũng thấy bà con dân tộc Dao trong làng Yên Sơn hay uống nước lá là thảo dược, không chỉ dùng uống mà họ còn nấu nước để tắm, tùy thể trạng mỗi người mà thêm bớt một số thảo dược, điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp với mỗi người.
Những chuyến đi rừng tìm dược liệu ngày càng dài thêm do nạn khai thác dược liệu quá mức.
Những mẻ thuốc thu được sau nhiều ngày đi rừng vất vả.
Người làng Yên Sơn “cứu” dược liệu
Làng thuốc Yên Sơn đã trải qua hàng trăm năm, họ sinh ra từ làng thuốc, lên rừng hái thuốc… Có thể nói, dược liệu từ núi thiêng Ba Vì không chỉ cứu chữa cho hàng trăm người mà còn là “bầu sữa” nuôi dưỡng những con người xóm núi.
Nhưng từ khoảng 10 năm trở lại đây “bầu sữa” ấy dần vơi cạn do nạn khai thác dược liệu bán cho Trung Quốc. Người làng Yên Sơn lao đao trong cơn cuồng loạn dược liệu. Muốn tiếp tục phát triển thì họ buộc phải bảo vệ được vùng nguyên liệu… nếu không thì bỏ nghề.
Các thầy thuốc nơi đây vừa bốc thuốc nhưng vừa vật vã trong cơn cuồng suy nguồn dược liệu. Họ phải đi hàng trăm km mới tìm thấy cấy thuốc mà cha anh thường dùng, phải mua với giá đắt gấp nhiều lần… nhưng quan trọng là nhiều người ngóng chờ thuốc để chữa bệnh và cuộc sống chính những thầy lang xóm núi sẽ bị ảnh hưởng.
Anh Trần Văn Hải, người dân xã Ba Vì cho biết: Là người địa phương, nhưng anh vẫn phải chờ đợi các thầy lang đem dược liệu về mới có thuốc để dùng. Cách đây ít lâu, anh vào làng xin thuốc chữa bệnh cho người thân trong gia đình, nhưng phải đợi đến hơn 1 tuần thầy thuốc mới tìm được loại dược liệu cần thiết về chữa bệnh. Cứ đà này thì không chỉ các thầy lang mà chính những người dân sẽ hứng chịu thiệt thòi.
Còn những thầy lang xóm núi thì loay hoay tìm cách vực dậy nguồn dược liệu nơi núi thiêng. Người ta thường nói “cái khó ló cái khôn” có lẽ đúng với trường hợp này. Một số gia đình biến cả héc ta vườn nhà thành rừng rậm, tạo ra vườn ươm dược liệu và sau đó là nhân giống khắp núi Ba Vì. Nếu thành công thì có lẽ phải mất cả 10 – 20 năm nữa làng thuốc mới tự chủ được vùng nguyên liệu và chấm dứt tình trạng đi khắp miền Bắc tìm dược liệu.
Thầy thuốc Dương Thị Hiến là một điển hình. Nhận thấy nguồn dược liệu suy kiệt, bà Hiến đã biến cả khu vườn rộng gần 1ha thành rừng rậm, bà trồng nào củ dom, nào xạ đen, nào tam thất… với mục đích nhân giống. Bà cố gắng tạo ra môi trường tự nhiên giống trong rừng để cây thuốc sinh trưởng, phát triển. Nhưng có loại được liệu sinh trưởng nhanh như cây xạ đen, củ dom… nhưng cũng có loại phải mất hàng chục năm sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên mới thu hoạch được. Củ tam thất rừng là một ví dụ. Loại dược liệu này muốn dùng được cũng phải trồng ít nhất từ 10 năm trở lên, trong điều kiện tự nhiên thì loại cây này còn chậm phát triển và có khi phải mất vài chục năm mới cho thu hoạch. Nếu thu hoạch non thì các hoạt chất chứa bên trong chưa đủ để chữa bệnh… Đó chính là nguyên nhân tại sao việc tận diệt dược liệu chỉ trong vài năm nhưng cần đến hàng chục năm để khôi phục lại.
Từ xưa đến nay nhiều phụ nữ ở vùng núi Ba Vì làm thầy thuốc còn đàn ông chỉ phụ giúp.
Ở làng Yên Sơn có một số thầy thuốc nổi tiếng như Dương Thị Hiến, Triệu Thị Bình, Triệu Thị Lan, Lý Thị Phượng, Lý Văn Nguyên… Mỗi thầy thuốc, dòng họ đều có bí quyết chữa bệnh khác nhau và thường có điểm mạnh là chữa được loại bệnh nào đó. Có tới 80% dân số làng Yên Sơn trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia việc làm thuốc và từ xưa đến nay, làng Yên Sơn được coi là 1 trong 3 làng thuốc danh tiếng ở phía Bắc, bên cạnh làng Nghĩa Trai, Hưng Yên, làng Ninh Hiệp, Hà Nội.
Quách Dương