4 trẻ sơ sinh tử vong cùng lúc ở BV sản nhi Bắc Ninh: Tìm ra vi khuẩn kháng thuốc cực mạnh

Sau khi cấy máu các trẻ sơ sinh được chuyển lên từ Bệnh viện (BV) Sản Nhi Bắc Ninh, các bác sĩ tuyến trung ương phát hiện ba bé nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc cực mạnh.

Sau hai ngày chăm sóc tại BV Nhi Trung ương, BV Phụ sản Trung ương và BV Bạch Mai, đến sáng 23-11 đã có 7/20 trẻ có thể thở máy, 10 trẻ đang theo dõi tích cực và có ba trẻ được các bác sĩ lưu tâm hơn khi phát hiện vi khuẩn kháng thuốc cực mạnh trong cơ thể.

Theo kết quả cấy máu cho thấy có hai trẻ đang điều trị tại BV Nhi Trung ương nhiễm vi khuẩn kháng thuốc và một bé đang điều trị tại BV Bạch Mai nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc.

Cụ thể, TS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương, cho biết đến thời điểm hiện tại, bảy trẻ sơ sinh, sinh non được chuyển đến BV chiều 21-11 đã không còn phải thở máy. Dự kiến có 2-3 bé sẽ được ra viện trong tuần tới. Riêng ba bé có cân nặng 1-1,4 kg dự kiến sẽ phải nằm nuôi dưỡng trong lồng ấp 1-2 tháng.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện

Mặc dù đã ngưng thở máy nhưng vấn đề dinh dưỡng là khó khăn lớn nhất trong việc nuôi dưỡng ba trẻ nhẹ cân. Vì các bé sinh non nên mọi tổ chức cơ thể chưa hoàn thiện, dễ bị suy hô hấp, ruột dễ hoại tử, khả năng miễn dịch kém, dễ viêm não và xuất huyết… Các y, bác sĩ phải theo dõi sát vấn đề dinh dưỡng theo hướng nuôi ăn tăng dần, kiểm tra hệ tiêu hóa hằng ngày, đặc biệt trong quá trình chăm sóc phải tuyệt đối giữ vệ sinh vô khuẩn. Bên cạnh đó, các y, bác sĩ còn phải lên phương án sử dụng kháng sinh hợp lý, cân bằng nước điện giải, chống suy hô hấp.

Tại khoa Nhi BV Bạch Mai, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết hiện ba bé sơ sinh bị sốc nhiễm khuẩn đang điều trị tại khoa. Trong đó, một bé tình trạng rất nghiêm trọng, chuyển đến BV trong tình trạng xuất huyết não, tim to, bụng trướng, gan bị tổn thương rất nặng, hạ đường máu liên tục, vàng da ứ mật.

Sau khi nhận được thông báo và đề nghị hỗ trợ từ BV Sản Nhi Bắc Ninh, BV Bạch Mai đã cử đoàn công tác gồm nhiều chuyên gia các lĩnh vực sơ sinh, dị ứng miễn dịch, chống độc, dược lâm sàng… do PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi của BV, làm trưởng đoàn đến nắm bắt tình hình. Ba bệnh nhi sơ sinh được chuyển đến khoa nhi vào ngày 20-11. Sau khi vào viện cả ba cháu đều được tiếp nhận khẩn trương, điều trị tích cực theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường, các bác sĩ cũng tiến hành hội chẩn hằng ngày về tình trạng bệnh của trẻ.

Trong đó có một bệnh nhi đang nguy kịch. Bệnh nhi vào viện ngày thứ 11 sau sinh, mẹ có tiền sử sản khoa, sinh con lần một, mổ đẻ suy thai, thai nặng 2,8 kg. Chẩn đoán khi chuyển viện, cháu bị suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh. Ngay khi tiếp nhận, BV đã điều trị tích cực, thở máy và xét nghiệm cơ bản, siêu âm tim, thóp, phát hiện các bệnh lý sớm, can thiệp kịp thời.

Qua hội chẩn tại BV, cháu bé bị nhiễm khuẩn sơ sinh nặng, được xử trí bù dịch, kháng sinh, dinh dưỡng, hỗ trợ hô hấp, truyền máu. Hiện tại, sau ba ngày điều trị tại khoa, trẻ vẫn trong tình trạng nặng, vẫn thở máy nhưng máu đã có thông số ổn định, ăn tiêu, đỡ phù, đỡ vàng da. BV đang cố gắng hết sức để cứu chữa bệnh nhi này.

Nói về tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết đây là vấn đề thường gặp. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh tùy thuộc vào vi khuẩn trẻ mắc phải, phụ thuộc vào từng trẻ, sức đề kháng mỗi trẻ khác nhau. Chính vì vậy, đối với những trường hợp trên trẻ được theo dõi tỉ mỉ, từng giờ, hội chẩn hằng ngày… Việc sử dụng kháng sinh cho các trẻ này cũng là vấn đề đáng lưu ý và cần chiến lược kháng sinh phối hợp mới có thể điều trị được.

Tổng hợp

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top