Do bị thoái hóa khớp vai phải mức độ nặng như vậy, suốt 2 năm nay, bà H. không thể dùng tay phải trong sinh hoạt hằng ngày như chải tóc, mặc áo… Các bác sĩ cho biết, việc áp dụng phẫu thuật này giúp người bệnh giảm đau, phục hồi chức năng khớp vai để có thể trở lại vận động sinh hoạt bình thường.
Các bác sĩ Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đã triển khai kỹ thuật thay khớp vai nghịch đảo toàn phần. |
Ca phẫu thuật thực hiện kỹ thuật thay khớp vai nghịch đảo toàn phần cho bệnh nhân T.H. đã được truyền hình trực tiếp cho đại biểu tham dự tại Hội nghị Khoa học và Đào tạo thường niên 2020 do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức mới đây, trong phiên đào tạo về “Phẫu thuật thay khớp vai”.
Theo PGS.TS.BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, để khớp vai vận động nhịp nhàng cần phải có hệ thống cơ trong đó cơ lớn phía ngoài là cơ Delta, phía trong là gân cơ chóp xoay; giúp giữ vững cho chỏm xương cánh tay ép vào trong ổ chảo.
Khi khớp bị thoái hoá, hỏng về cấu trúc giải phẫu hoặc khi cấu trúc giải phẫu khớp còn nguyên nhưng tổn thương cấu trúc phần mềm nặng trong bệnh lý của chóp xoay, người bệnh cần được thực hiện phẫu thuật thay khớp để phục hồi vận động.
Bên cạnh phẫu thuật thay khớp vai bán phần, toàn phần, người bệnh hiện có thêm một lựa chọn điều trị nữa là thay khớp vai nghịch đảo toàn phần (hay còn gọi là thay khớp vai nghịch đảo Delta). Phương pháp này có tác dụng giữ chức năng của chóp xoay, giúp cử động của vai được toàn diện hơn, thời gian phẫu thuật ngắn hơn, việc tập vật lý trị liệu sau mổ dễ dàng, người bệnh phục hồi vận động tốt, thời gian xuất viện sớm hơn (chỉ khoảng 1 tuần sau mổ) so với các phẫu thuật thay khớp vai thông thường.
Thay khớp vai nghịch đảo toàn phần được chỉ định trong những trường hợp người bệnh bị thoái hoá khớp vai kèm tổn thương gân cơ chóp xoay như viêm khớp dạng thấp giai đoạn nặng, chấn thương gãy nát xương khớp vai, trật khớp vai tái diễn nhiều lần do chấn thương mà không thể mổ nội soi, u xương cánh tay, thay lại khớp vai…
Vài năm trở lại đây, với sự tiến bộ của khớp vai nhân tạo, phẫu thuật thay khớp vai nghịch đảo toàn phần đang trở nên phổ biến tại nhiều nước trên thế giới và vừa được áp dụng tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học và Đào tạo thường niên năm 2020 của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Ca phẫu thuật thực hiện kỹ thuật thay khớp vai nghịch đảo toàn phần đã được truyền hình trực tiếp tại Hội nghị Khoa học và Đào tạo thường niên 2020 của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. |
Hội nghị 2020 của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM được tổ chức theo hình thức đào tạo tại chỗ kết hợp với đào tạo trực tuyến. Trong đó, hình thức trực tuyến được áp dụng riêng với các phiên của báo cáo viên nước ngoài (đến từ Úc, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Ai Cập…).
Sự kết hợp giữa hình thức đào tạo tại chỗ và đào tạo trực tuyến, vừa phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, vừa giúp các đại biểu tương tác, cập nhật kiến thức và trao đổi kinh nghiệm với các báo cáo viên nước ngoài một cách trực quan, sinh động và hiệu quả.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ: “Bên cạnh việc đảm nhiệm tốt công tác điều trị và nghiên cứu khoa học, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật. Những báo cáo, nghiên cứu và kinh nghiệm được chia sẻ trong Hội nghị đã cập nhật kiến thức y khoa trong chẩn đoán và điều trị ở hầu hết các chuyên khoa như Nội khoa, Ngoại khoa, Dược, Cận lâm sàng… nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hành lâm sàng".