Kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước khi hè về

Để giảm thiểu nguy cơ đuối nước, ngoài việc học bơi thì quan trọng nhất là phải biết tự trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về cách phòng tránh đuối nước.

Mỗi khi hè về, học sinh lại được các tổ chức đoàn thể nơi cư trú, cơ quan, gia đình tổ chức cho đi tham quan, nghỉ mát, tắm biển. Bên cạnh đó, nhiều trẻ cũng tự rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao, hồ... do đó nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao. Hè về, nguy cơ về đuối nước lại xuất hiện như một nỗi lo thường trực và có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào.

Có thể thấy, việc trang bị các kỹ năng cần thiết cho trẻ em cũng như người lớn, để có thể tự bảo vệ mình và cộng đồng, chủ động phòng chống đuối nước có ý nghĩa quan trọng và cần thiết.

Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước

Trang bị kỹ năng bơi lội

Cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần được trang bị các kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước, nhất là với trẻ em. Đa phần, việc dạy bơi cho trẻ nhỏ đều là tự phát. Tuy nhiên, phụ huynh chỉ nên cho bé đến các trung tâm học bơi chuyên nghiệp để được dạy về: Cách khởi động, cách xử lý tình huống khi bị chuột rút, cách xử lý khi bơi vào vùng nước xoáy,….Song, bạn cũng cần tìm hiểu xem thể trạng của bé có thích hợp cho việc tham gia hoạt động bơi lội hay không vì không phải trẻ nhỏ nào cũng có sức khỏe đủ tốt để học bơi.

Cảnh báo về nguy cơ khi tắm suối, sông, hồ

Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nhỏ nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ,....Tốt hơn hết là nên đưa những kỹ năng phòng tránh đuối nước thành một môn học bắt buộc ở trường. Bên cạnh đó, phụ huynh tuyệt đối không nên cho trẻ tắm sông hay chơi đùa ở gần khu vực bờ sông để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn và chỉ cho bé đến các hồ bơi được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, có nhân viên trông coi.

Chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường thủy

Khi chúng ta tham gia bất cứ các hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Ngoài ra, trên tàu thuyền cũng phải được trang bị đủ số lượng các thiết bị cứu hộ đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi có tai nạn xảy ra.

Mặc áo phao và tắm gần bờ

Khi tắm sông hay tắm biển, bất cứ người biết bơi hay không cũng phải mặc áo phao và chỉ nên tắm ở gần bờ để đảm bảo an toàn vì tai nạn đuối nước luôn rình rập, đe dọa chúng ta bất cứ lúc nào. Khi tắm biển, không nên nằm trên phao thả trôi vì bạn sẽ dễ bị sóng cuốn ra xa rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nên tìm hiểu rõ về vùng biển trước khi tắm để không chọn nhầm nơi nước động, nước xoáy hay xuất hiện dòng chảy xa bờ.

Trang bị kỹ năng cứu người đuối nước

Cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần được trang bị các kỹ năng cứu hộ, sơ cứu người bị đuối nước. Cụ thể, nếu phát hiện người đang bị đuối nước nhưng bạn lại không biết bơi, phải hết sức bình tĩnh và hô hoán, nhờ đến sự trợ giúp của nhiều người. Đồng thời, tìm những nhánh cây dài cho nạn nhân bám vào để kéo vào bờ. Sau khi đã đưa được nạn nhân lên bờ, ngay lập tức thực hiện các thao tác sơ cứu đúng cách.

Ảnh minh họa. - Ảnh: internet.

Ảnh minh họa. - Ảnh: internet.

Cách sơ cứu khi bị ngạt nước

Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc chèo thuyền vớt nạn nhân lên. Tuyệt đối không nên nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi.

Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim nạn nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa nạn nhân đi bệnh viện.

Nếu nạn nhân còn tự thở, cho nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn (khó thở thứ phát) vài giờ sau ngạt nước.

Kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước

Khi bị rơi xuống nước, tâm lý của chúng ta thường rất hoảng loạn. Ngay cả những người biết bơi cũng có nguy cơ chết đuối nếu bị rơi xuống nước bất ngờ. Để có thể tự cứu mình thoát khỏi chết đuối ngay cả khi không biết bơi, bạn cần:

Đầu tiên là phải tự sốc lại tinh thần, lấy lại bình tĩnh, bắt đầu nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, biến cơ thể thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.

Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.

Khi cơ thể đã đẩy lên mặt nước bạn dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.

Khi chuyển động lên xuống, chuyển động về phía trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng mồm. Khi nhô được lên mặt nước cố gắng ra tín hiệu cầu cứu để có người hỗ trợ nhanh nhất có thể.

Theo Đời sống
back to top