Nước sông luôn sôi sùng sục ở nhiệt độ 100 độ C.
Và chỉ mới năm 2016, một nhà khoa học đã công bố một khúc sông tử thần ở ngay giữa rừng rậm Amazon – đoạn chạy qua Peru. Có tên gọi như vậy là vì nước sông luôn sôi sục với nhiệt độ cao khủng khiếp, đủ sức luộc chín mọi sinh vật xấu số lọt xuống.
Người tìm ra nó là Andrés Ruzo – nhà địa chất tại ĐH Southern Methodist (Mỹ). Bị ám ảnh bởi huyền thoại “sông nước sôi” được truyền miệng của người bản địa – thứ mà giới khoa học luôn bác bỏ – Ruzo đã khăn gói vào rừng tìm kiếm từ năm 2011.
Khúc sông có tên Shanay-timpishka.
Khúc sông có tên Shanay-timpishka – có nghĩa là “được nấu sôi nhờ ánh Mặt trời” trong ngôn ngữ của người địa phương. Không khí tại đây nóng bỏng đến nỗi xoang mũi và phổi còn cảm thấy bỏng rát.
“Nhiệt độ cao nhất đo được là 100 độ C. Để so sánh, một tách cafe siêu nóng chúng ta vẫn uống chỉ ở khoảng 55 độ mà thôi.”
“Thực sự khó để ước lượng sức nóng ấy. Nếu nhúng tay xuống nước, bạn có thể bị bỏng cấp độ 2 hoặc 3 chỉ sau vài giây.”
Theo Ruzo, khúc sông này dài khoảng 6km, sâu 6m, rộng khoảng 25m, nằm tại khu vực trị liệu tâm linh của người Asháninka tại Mayantuyacu. Đây vốn là một huyền thoại của quốc gia này, và Ruzo cũng giống như rất nhiều nhà khoa học khác, lúc đầu cũng không hề tin vào nó.
Một chú ếch xấu số khi rơi vào khúc sông.
Ông tin rằng để nước sông sôi sục như vậy cần một lượng địa nhiệt khổng lồ, trong khi đồng bằng sông Amazon lại không có bất kỳ ngọn núi lửa nào gần đó. Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến, ông mới tin rằng con sông huyền thoại có thực.
Để lý giải cho sự tồn tại của khúc sông, Ruzo cho rằng ẩn sâu dưới đáy sông có những kẽ nứt chảy ra nước cực nóng. “Giống như máu trên cơ thể, Trái đất cũng có những dòng nước nóng chảy qua các kẽ nứt và các đoạn đứt gãy.
Muốn tiếp cận với nước ở khúc sông này bắt buộc phải có đồ bảo hộ.
Khi các kẽ nứt trên bề mặt Trái đất xuất hiện, chúng ta sẽ có suối nước nóng, các lỗ nhiệt phun khí, hoặc như trường hợp này là con sông luôn sục sôi.”
Hiện tại, Ruzo đang tích cực vận động truyền thông về con sông kỳ bí này. Lý do là vì hiện tại khoa học chưa quan tâm, giám sát con sông.
Trong khi đó, cảnh quan rừng xung quanh đang dần biến mất do các hoạt động khai thác gỗ – cả trái phép lẫn hợp pháp. Ông muốn bảo vệ cảnh quan huyền thoại ấy, bằng mọi giá.
Hoàng Bách (tổng hợp)