Được định giá hơn 5 tỷ USD và nhận 1,4 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm, Coupang là trang thương mại điện tử lớn nhất, phát triển nhanh nhất và có tài chính tốt nhất Hàn Quốc từ trước đến nay. Hãng thống trị thị trường đầy cạnh tranh này với một nửa dân số có ứng dụng trên điện thoại.
Coupang là trang thương mại điện tử lớn nhất, phát triển nhanh nhất và có tài chính tốt nhất Hàn Quốc từ trước đến nay.
Công ty khởi nghiệp 8 tuổi này là một trong số ít kỳ lân Hàn Quốc (các công ty có giá trị từ một tỷ USD trở lên) và được xem như một ứng cử viên mạnh cho đợt IPO trong 2019 hoặc 2020. Coupang có thể là lý do Amazon vẫn chưa bước chân vào thị trường Hàn Quốc dù đang cố gắng chinh phục thị trường châu Á.
“Thế mạnh của Amazon là giao hàng nhanh, nhưng hầu hết công ty thương mại điện tử Hàn Quốc đều cung cấp dịch vụ vận chuyển trong ngày với mức giá rẻ,” Sehwan Choi, người sáng lập trang web theo dõi công nghệ TechforKorea, cho biết. Do người Hàn sống tập trung ở các đô thị lớn, 99,6% số đơn hàng của Coupang được giao trong vòng 24h. Trong tương lai, công ty đang có mục tiêu giảm thời gian giao hàng toàn quốc xuống còn vài giờ.
Khách hàng là trên hết
Chỉ với vài lần nhấp chuột, khách hàng có thể trả hàng sau vài giờ và được hoàn tiền ngay lập tức. Thậm chí, sản phẩm chỉ cần để ngoài thềm nhà mà không cần hộp, không cần hóa đơn. Kịch bản đậm chất “viễn tưởng” này đang xảy ra tại Hàn Quốc nhờ Coupang.
“Tất cả đều để giảm stress cho khách hàng”, Bom Kim, người sáng lập kiêm CEO của Coupang, nhấn mạnh. Muốn khách mua và trả lại sản phẩm càng dễ càng tốt, ông quan tâm từ việc giảm lượng bao bì đến biết chính xác vị trí đặt xe tải chở hàng.
Coupang có đội xe tải riêng và hơn 10.000 nhân viên, trong đó có 4.000 người giao hàng. Bên cạnh công nghệ, Kim nhấn mạnh vào chiến lược “cá nhân hóa” dịch vụ bằng cách theo dõi mọi tương tác và sở thích của khách hàng.
“Nếu bạn có em bé và không muốn chuông cửa đánh thức con, người giao hàng sẽ gõ cửa”, ông nói. Nếu khách không thể trực tiếp nhận, người giao sẽ để hàng ở nơi được chỉ định, như phía sau chậu cây hoặc cầu thang, và gửi ảnh chụp vị trí để xác nhận.
Đội ngũ giao hàng là một trong những điểm mạnh nhất của công ty. (Nguồn: Korea Times).
Khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ khiến Coupang chưa có lãi: Số liệu 2016 cho thấy hãng lỗ hơn 500 triệu USD dù doanh thu đạt 1,7 tỷ USD (doanh thu 2017 ước đạt 3 tỷ USD nhưng chưa có kết quả lợi nhuận). Tuy nhiên, vị CEO không quan tâm. “Chúng tôi đang đầu tư vào trải nghiệm của khách hàng. Chúng tôi có một cái nhìn rất dài hạn”, ông tuyên bố.
Eric J. Kim, quản lý quỹ Goodwater Capital đầu tư vào Coupang ngay từ đầu tiên, cho biết điều kiện ở Hàn Quốc quá hoàn hảo cho các công ty thương mại điện tử. Đây là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và có cơ sở hạ tầng công nghệ tốc độ cao. Thị trường thương mại điện tử lớn thứ 7 thế giới (khoảng 56 tỷ USD) dự kiến sẽ vượt qua Nhật Bản và Anh trong 5 năm tới để lên thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Mỹ.
Tạo ra “Amazon của Hàn Quốc” không phải là mục tiêu ban đầu của Kim khi bỏ Harvard, ông đơn giản chỉ muốn tạo sự khác biệt.
Theo Lâm Ngọc/CNBC-NDH