Trong suốt thời gian vừa qua, nhiều người dân tỏ ra vô cùng lo lắng trước hàng loạt vụ việc tiền gửi ngân hàng của khách hàng bỗng nhiên bốc, hơi như vụ việc nữ đại gia thủy sản Chu Thị Bình gửi số tiền tiết kiệm lớn tại chi nhánh Eximbank chi nhánh TPHCM rồi tá hỏa khi phát hiện mất 245 tỷ đồng tiết kiệm, trước đó khách hàng của nhiều ngân hàng lớn, nhỏ khác nhau cũng đã lên tiếng tố cáo về việc tiền gửi bị mất với giá trị từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Thậm chí, có nhiều vụ việc, khách hàng gửi tiền ở ngân hàng nhưng lại nhận tiền gửi ấy qua tòa sau rất nhiều ngày theo đuổi những vụ kiện cáo.
Nữ đại gia thủy sản Chu Thị Bình gửi số tiền tiết kiệm lớn tại chi nhánh Eximbank chi nhánh TP HCM rồi tá hỏa khi phát hiện bốc hơi 245 tỷ đồng tiết kiệm. Ảnh minh họa.
Rõ ràng, việc liên tục có người tiêu dùng khiếu nại mất tiền trong một số tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng trong suốt thời gian qua đã bộc lộ những lỗ hổng trong bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Nhiều người cho rằng, khi vay tiền ngân hàng luôn có hợp đồng bảo vệ chặt chẽ nhưng khi gửi tiền, người gửi nhận được một sổ tiết kiệm giản đơn mà không có điều khoản nào bảo vệ quyền lợi. Dẫn đến tình trạng khi tranh chấp, người gửi ở thế yếu, không có thông tin gì để tự bảo vệ, đòi quyền lợi của mình do thông tin toàn ngân hàng nắm giữ.
Mang những tâm sự chất chứa nỗi lo lắng của người tiêu dùng, một phóng viên đã đặt câu hỏi tại cuộc họp báo Chính phủ được tổ chức chiều 2/4 vừa qua: “Sắp tới cơ quan quản lý có giải pháp gì tăng cường quyền lợi người gửi tiền, qua đó củng cố niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng?”.
Nhưng thật bất ngờ, khi trả lời câu hỏi trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước -Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Ngân hàng nhà nước khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các tổ chức tín dụng, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng chiếm đoạt tài sản của khách hàng”.
Phát ngôn trên của bà Nguyễn Thị Hồng là một ý kiến đáng quan ngại khiến khách hàng gửi tiền vào các ngân hàng thêm hoang mang, lo lắng. Thậm chí có ý kiến cho rằng, với phát ngôn này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước có “vô tình” tiếp tay cho việc tái diễn tình trạng bốc hơi tiền gửi bằng việc đẩy trách nhiệm kiểm soát tiền gửi cho khách hàng.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại điều 87, Bộ Luật dân sự 2015 quy định: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”.
Đối chiếu quy định này với việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì đó là hợp đồng cho vay tài sản. Bởi khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và tất nhiên phải chịu trách nhiệm với rủi ro khi số tiền gửi đó bốc hơi.
Bởi khi đã gửi tiền vào ngân hàng, người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận. Bởi tiền khi chuyển giao tiền thì luôn kèm theo chuyển giao quyền sở hữu.
Bởi vậy, trách nhiệm bảo đảm an toàn cho khoản tiền đó là của ngân hàng chứ khách hàng dù có có kiểm tra số dư tiền gửi cũng chỉ biết còn hay mất chứ không thể ngăn chặn được những rủi ro.
Trên thực tế, tiền gửi ngân hàng không phải là tiền đút vào két riêng của gia đình để có thể mở ra xem còn hay mất. Bởi khi tiền đã gửi ngân hàng thì giống như cho ngân hàng vay và tất nhiên số tiền trong tài khoản là số tiền ngân hàng nợ khách hàng.
Do vậy, người gửi tiền không cần phải kiểm tra số dư tài khoản bởi trách nhiệm chính là các ngân hàng mà khách hàng đã gửi tiền. Bởi khi mất tiền trong tài khoản ấy thì rõ ràng là mất tiền của ngân hàng chứ không phải của khách hàng.
Bản thân bà Nguyễn Thị Hồng trước đó cũng trả lời rằng, ngân hàng nhà nước có văn bản, quy định rõ về quy trình, trình tự, thủ tục nhận tiền gửi khách hàng, trong đó quy định rõ trách nhiệm các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi là công khai minh bạch quy trình gửi tiết kiệm, đến hạn trả đủ lãi gốc cho người gửi, đặc biệt phải chịu trách nhiệm lỗi vi phạm để bị lợi dụng dẫn đến mất tiền do tổ chức mình gây ra.
Nếu như với câu nói trên của bà Hồng được dư luận đồng tình thì với khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các tổ chức tín dụng, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi, dư luận lại đánh giá đó là những phát ngôn khôi hài và lãnh đạo Ngân hàng nhà nước cần nhìn lại những phát ngôn kiểu này để tránh tái diễn, gây mất niềm tin của khách hàng vào tín dụng mà không tin dùng nữa.
Theo Thiên Nga (Kiến Thức)