Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội sáng 21/5 về Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về việc có cần ban hành một luật riêng điều chỉnh đối tượng này.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp khi bản chất họ không phải doanh nghiệp mà là mô hình kinh doanh đặc thù thêm thủ tục, khó khăn hơn cho họ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Mai Sỹ Diến, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá nói, nên ban hành luật riêng về đối tượng này thay vì luật hoá hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.
|
||
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam bảo vệ quan điểm đưa hộ kinh doanh vào đối tượng chịu tác động của Luật Doanh nghiệp.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp một chủ, không đồng nghĩa "chủ hộ kinh doanh sau một đêm thành giám đốc". Họ vẫn được áp dụng các quy định đặc thù như hiện nay về quản lý nhà nước, quản trị, kê khai, nộp thuế để không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính phiền hà, được tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Việc này không phải để trói buộc các hộ kinh doanh mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong phát triển.
"Việc này cũng không phải để đưa ra thống kê về con số doanh nghiệp cho đẹp trong các báo cáo mà xuất phát từ thực tiễn của nền kinh tế", ông nói.
Ngày 20/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội.
Đây được coi là kỳ họp đặc biệt, khi được tổ chức theo 2 đợt. Đợt 1 là họp trực tuyến và đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Đợt họp trực tuyến sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, diễn ra từ 20/5 đến 4/6.
Đợt họp tập trung sẽ diễn ra từ ngày 10 - 19/6.