Sửa Luật Doanh nghiệp: Tăng tính thị trường và minh bạch là yêu cầu chính

(khoahocdoisong.vn) - Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sau gần 2 năm dự thảo.

Không Bộ nào muốn bỏ quyền lợi

Luật Doanh nghiệp 1999 được đánh giá như mở đường cho kinh tế Việt Nam hội nhập. Qua 20 năm, Luật Doanh nghiệp đã trải qua 2 lần sửa đổi, thay thế (năm 2005 và 2014), hiện đang xin ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. 

Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang, trước năm 2000 (năm có hiệu lực Luật doanh nghiệp 1999), việc thành lập công ty hay doanh nghiệp tư nhân phải kéo dài trung bình từ 3-6 tháng, thậm chí đến gần 1 năm, với số lượng các giấy tờ chuẩn bị khá nhiều. Có những giấy tờ rất khó khăn khi thực hiện đối với các quy định pháp luật giai đoạn đó. Chẳng hạn như bản giải trình về biện pháp bảo vệ môi trường, giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch, xác nhận của ngân hàng về vốn điều lệ…

Tuy nhiên, sau khi Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực, các thủ tục hành chính đã liên tục được được cắt giảm để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc gia nhập thị trường, áp dụng thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh trên môi trường điện tử sớm so với các thủ tục hành chính.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Luật Doanh nghiệp sau nhiều lần sửa đổi đã có những cải cách theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh. Chẳng hạn như dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng, và một số dịch vụ khác. Quyền tự do kinh doanh mới chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu vẫn phải xem xét thêm.

Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao. Việc giảm chi phí tuân thủ chủ yếu thực hiện theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp để giảm một cách có hệ thống.

Việc tăng an toàn và giảm rủi ro trong kinh doanh so với trước đây cũng có cải thiện, nhưng ghi nhận thực tế, ông Cung cho hay, đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao, phức tạp. Các doanh nghiệp thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ lợi ích của mình.

Một vấn đề khác được chỉ ra là Luật Doanh nghiệp đang làm “lỏng” quản lý và kiểm soát đối với doanh nghiệp nhà nước, cũng như chưa hình thành khung quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời việc quản trị chưa có xu hướng tuân thủ các thông lệ quản trị tốt...Do vậy, TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị nếu muốn sửa đổi Luật nào, thì phải trông vào trí tuệ bên ngoài, chứ đừng trông vào các Bộ chủ quản.

Quan điểm của TS Cung được ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM "tổng kết" ngắn gọn: “Chúng ta khó bỏ điều kiện kinh doanh, không Bộ nào muốn bỏ quyền lợi và lợi ích của mình cả”.

Phải sửa, nhưng sửa gì?

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp CIEM cho rằng, so sánh thực trạng quản lý doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam với 39 nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có thể thấy dù nỗ lực cải thiện đã có nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn.

Ông Trung ví dụ, mục tiêu sở hữu nhà nước còn chưa rõ ràng, nhất quán, thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước chưa tách bạch với chức năng quản lý nhà nước, kể cả đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước chưa hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường, mà vẫn còn các biểu hiện ưu đãi tiếp cận nguồn lực, chưa đảm bảo quyền của các bên có lợi ích liên quan (nước, điện...). Việc thực thi pháp luật về công bố thông tin còn yếu...

Nói rõ về vấn đề này, ông Phạm Đức Trung cho hay, vấn đề chính là chưa có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên thực tế, nên doanh nghiệp nhà nước khó áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại. Doanh nghiệp nhà nước có chủ sở hữu nằm ngoài doanh nghiệp và là cơ quan hành chính nhà nước nên phải xin phép cơ quan nhà nước về các vấn đề quan trọng của quản trị doanh nghiệp.

Ông Trung cho rằng, trong luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần có quy định đổi mới, tăng cường nhân lực và bộ máy của các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cụ thể, cần quy định về quyền tự chủ của hội đồng thành viên doanh nghiệp nhà nước, theo hướng quyết định là thuộc quyền và trách nhiệm cuối cùng của hội đồng thành viên, không phải của cơ quan bên ngoài.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cần hoàn thiện về hệ thống giám sát, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước phải công bố thông tin theo thông lệ quốc tế những chính sách, chi phí, tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn hội đồng thành viên, quản trị; các thông tin về giao dịch, rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro, đặc biệt là việc sử dụng các khoản vay lớn.

Theo Luật sư Nguyễn Quang Hưng, để sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, cần chú ý tới các vấn đề về tính ổn định của pháp luật doanh nghiệp. Tính ổn định sẽ tạo sự thống nhất trong quy định và tránh sự lạm quyền. Ngoài ra tính ổn định thường được quy định trong các hiệp định đầu tư quốc tế. Để thu hút đầu tư và đảm bảo các cam kết quốc tế về đầu tư, pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư thường phải cam kết với nhà đầu tư nước ngoài khi thay đổi pháp luật thì không gây ảnh hưởng cho nhà đầu tư.

Để đảm bảo tính ổn định của Luật Doanh nghiệp, cần xây dựng một số nguyên tắc cốt lõi, giúp các quy định dễ dàng thống nhất, phù hợp với nhau, như: Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư... Cụ thể, như xem xét giữ ổn định và có thể hình thành các vấn đề về sở hữu doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp, mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp.

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, “mỗi năm Quốc hội ban hành 20 Luật, dưới Luật là Nghị định, Thông tư hướng dẫn, chưa kể công văn điều hành. Luật không đổi, Nghị định không đổi nhưng Thông tư có thể đổi. Thông tư các bộ ban hành, đúng với Thông tư này có thể sai với Thông tư khác. Hướng dẫn thi hành là sự tuỳ ý. Ở đây là miếng đất màu mỡ cho thanh tra kiểm tra DN, là nguồn gốc của những rủi ro trong tuân thủ luật pháp ở Việt Nam”.

Theo Đời sống
Dinh dưỡng đầy đủ cho Mẹ và Bé

Dinh dưỡng đầy đủ cho Mẹ và Bé

Vừa qua, tại Thái Bình, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé” cho hơn 300 phụ nữ tỉnh Thái Bình.
back to top