100% đại biểu QH nhất trí thông qua Luật Phòng không nhân dân

Sáng 27/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân với 100% đại biểu nhấn nút tán thành.
Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm là những quy định đối với tàu bay không người lái.
100% dai bieu QH nhat tri thong qua Luat Phong khong nhan dan
Quốc hội thông qua Luật Phòng không nhân dân. Ảnh: QH.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương và 47 Điều.
Về việc cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (TBKNL&PTBK), có ý kiến đề nghị cần xác định tầm nhìn trực quan bằng mắt thường ở một người bình thường có khoảng cách trung bình là bao nhiêu để quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn.
100% dai bieu QH nhat tri thong qua Luat Phong khong nhan dan-Hinh-2
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH.
Theo ông Lê Tấn Tới, qua nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phương tiện bay có trọng lượng cất cánh dưới 0,25 kg là phương tiện bay siêu nhỏ, độ cao bay thực tối đa không quá 50 mét, tốc độ bay ở mức tối đa không quá 40 km/h và thiết bị phát sóng vô tuyến đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tầm ngắn sử dụng công suất nhỏ, là phương tiện bay được điều khiển bằng tay, chủ yếu phục vụ mục đích vui chơi giải trí (người điều khiển phải nhìn thấy phương tiện bay bằng mắt thường để điều khiển); đồng thời, khoản 4 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội không quy định cụ thể nội dung này trong dự thảo Luật.
Đối với đình chỉ bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Điều 33), có ý kiến cho rằng, quy định tại khoản 3 mang tính tùy nghi, chưa chặt chẽ, chồng chéo về thẩm quyền trong xử lý và không gắn trách nhiệm cho một đơn vị cụ thể, do đó đề nghị quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm; đề nghị rà soát nội dung các khoản, điểm để quy định rõ ràng, chặt chẽ.
Về vấn đề này, ông Tới cho hay, việc đình chỉ chuyến bay được thực hiện theo quy định về phân cấp chỉ huy, quản lý trong Bộ Quốc phòng (theo trình tự thẩm quyền đình chỉ từ trên xuống dưới); Bộ Công an và các đơn vị Công an có quyền đình chỉ bay đối với TBKNL&PTBK do Bộ Công an, cơ quan Công an cấp phép hoặc phương tiện bay xâm phạm mục tiêu do Bộ Công an, đơn vị Công an bảo vệ.
Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc nhằm đảm bảo yêu cầu xử lý kịp thời đối với TBKNL&PTBK vi phạm, về trình tự cụ thể sẽ do Chính phủ quy định chi tiết bảo đảm tính chặt chẽ, không mang tính tùy nghi, không chồng chéo về thẩm quyền, rõ trách nhiệm của từng cấp. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã rà soát, chỉnh lý và sắp xếp các khoản, điểm cho thống nhất, chặt chẽ như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Đối với nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập TBKNL&PTBK (Điều 27), ông Tới cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về cấp phép xuất khẩu tàu bay không người lái và phương tiện bay khác để có chính sách xuất khẩu thông thoáng cho lĩnh vực này trong thời gian tới; rà soát, quy định chặt chẽ về thẩm quyền, thống nhất nội dung các khoản.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, UBTVQH đã bỏ quy định Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu đối với TBKNL&PTBK. Tuy nhiên, đối với TBKNL&PTBK phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vẫn cần thiết phải quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu để bảo đảm yêu cầu về bí mật quân sự, bí mật an ninh và do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định, đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, UBTVQH đã quy định tách bạch về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Chính phủ về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập TBKNL&PTBK tại khoản 2 và khoản 5; và chỉnh lý lại các khoản của Điều này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Về nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Điều 28), có ý kiến đề nghị quy định thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận, giấy phép nghiên cứu chế tạo, sản xuất, sửa chữa, theo hướng cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép thì có thẩm quyền đình chỉ thu hồi giấy chứng nhận hoặc giấy phép.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung khoản 3 quy định cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với cơ sở nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng TBKNL &PTBK thì có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận khi cơ sở đó không còn đủ điều kiện... và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này tại khoản 6 Điều 28 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về nhiệm vụ phòng không nhân dân (Điều 5), Dự thảo Luật quy định lực lượng phòng không nhân dân (PKND) tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng PKND và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không. Hiện nay, lực lượng PKND đã được trang bị vũ khí có tầm bắn trên 5.000m; được trang bị các phương tiện trinh sát phòng không đủ khả năng quan sát, phát hiện được mục tiêu ở độ cao dưới 5.000m. Vì vậy lực lượng PKND đủ khả năng tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định phạm vi quản lý ở độ cao dưới 5.000m.

Theo VietnamDaily
back to top