Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Chiều 26/11, với 455/465 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 26/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với 455/465 đại biểu tán thành.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được Quốc hội thông qua gồm 05 Chương và 59 Điều, quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Quoc hoi thong qua Luat Quy hoach do thi va nong thon
Với 455/465 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: QH.
Nhằm bảo đảm sự phù hợp của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định quá chi tiết về cơ sở xác định, lập dự án đầu tư xây dựng đối với từng loại, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị riêng tại các điều từ Điều 22 đến Điều 35 của dự thảo Luật.
Thay vào đó, Luật bổ sung khoản 1 mới tại Điều 8 quy định chung về quy hoạch đô thị và nông thôn là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm sự phù hợp của dự án đầu tư xây dựng đối với từng loại, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị riêng. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này để bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện các loại dự án đầu tư xây dựng.
Đối với trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật cũng đã được rà soát, chỉnh lý. Theo đó, lược bỏ quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong đô thị mới thuộc tỉnh để tránh trùng lặp với trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Luật lược bỏ quy định về trách nhiệm của UBND cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất vì dự thảo Luật đã có quy định theo hướng bao quát trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đối với các khu vực do Ủy ban nhân cấp huyện, cấp xã quản lý, trong đó đã bao hàm các khu vực đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật chỉnh sửa như sau: Quy định và làm rõ hơn thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với quy hoạch chung thành phố, thị xã trong trường hợp khu kinh tế, khu du lịch quốc gia có phạm vi quy hoạch nằm hoàn toàn trong địa giới hành chính của thành phố, thị xã vì theo quy định tại khoản 3 Điều 5 thì trường hợp này không lập quy hoạch chung khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, chỉ lập quy hoạch chung thành phố, thị xã.
Dự thảo Luật cũng lược bỏ nội dung về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh đối với quy hoạch chung khu chức năng vì đối với quy hoạch chung khu chức năng chỉ có quy hoạch chung khu kinh tế, quy hoạch chung khu du lịch quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Quy định và làm rõ hơn thẩm quyền của UBND cấp tỉnh đối với quy hoạch chung thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Đồng thời, loại trừ nội dung về thẩm quyền của UBND cấp huyện đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong khu chức năng thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan, tổ chức được giao quản lý khu chức năng. Bổ sung nội dung về thẩm quyền phê duyệt của cơ quan, tổ chức trực thuộc UBND cấp tỉnh được giao quản lý khu chức năng đối với nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu chức năng để phù hợp với thực tiễn.
Về bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật với pháp luật có liên quan, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát với các luật có liên quan để đưa ra phương án thay thế cụm từ thích hợp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo đó, tại Điều 57 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Kiến trúc, Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Phí, lệ phí, Luật Viễn thông, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đường sắt, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Quảng cáo, Luật Đê điều.
Đồng thời, nội dung sửa đổi, bổ sung tên ngành, nghề kinh doanh có điều kiện “Kinh doanh dịch vụ lập thiết kế quy hoạch xây dựng” thành “Kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch đô thị và nông thôn” tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020 được chuyển sang ghi nhận tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư tại một văn bản, thuận lợi cho công tác hợp nhất và tra cứu, áp dụng pháp luật.
Theo Đời sống
back to top