Xây dựng luật: Doanh nghiệp vẫn tham gia, đâu có bất thường?

(khoahocdoisong.vn) - Việc doanh nghiệp tham gia xây dựng một số quy định quản lý là cần thiết, nhưng cần tránh “lợi ích nhóm” trong xây dựng quy định quản lý.

Tham gia từ lâu, nhưng chưa tốt

Việc doanh nghiệp trong nước tham gia ban soạn thảo một số tiêu chuẩn, quy định là không mới. Nhưng trong một số trường hợp, đặc biệt với sự tham gia của nhân sự tới từ các doanh nghiệp lớn, lại rất thu hút sự chú ý, và kem theo đó là nghi ngại lớn.

Gần nhất, một nhân sự của một tập đoàn bất động sản lớn tham gia ban soạn thảo dự thảo sửa đổi luật đất đai đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Dù chỉ tham gia với tư cách cá nhân và không báo cáo doanh nghiệp, nhưng sau đó, vị luật sư này đã xin rút khỏi danh sách Ban soạn thảo.

Trước đó, việc Masan tham gia vào thành phần soạn thảo, và từ đó góp phần dịnh nghĩa lại tiêu chuẩn nước mắm, hiệp hội nước mắm thậm chí còn gây phản ứng từ doanh nghiệp và xã hội.  

Vậy thì doanh nghiệp có nên tham gia trong ban soạn thảo luật không? Nếu doanh nghiệp tham gia thì đóng góp ý kiến xây dựng luật như thế nào? Làm sao để giảm thiểu sự can thiệp không lành mạnh của các nhóm lợi ích vào chính sách, chủ trương có ảnh hưởng lớn về kinh tế?...

Thực tế, cũng có không ít than phiền từ các cơ quan quản lý về việc các doanh nghiệp phó mặc vấn đề xây dựng pháp luật cho Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi ý kiến thì chỉ góp ý cho có, dẫn đến tình trạng chính sách ban hành sau khi đi vào thực hiện lại bị kiện cáo, yêu cầu sửa đổi...

Bộ Tư pháp từng tổ chức một hội nghị lớn chủ đề: “Làm sao để doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật?”. Thứ trưởng Bộ Phan Chí Hiếu cho rằng hệ thống pháp luật của nước ta hiện còn nhiều hạn chế, thiếu tính đồng bộ, minh bạch, khả thi và đặc biệt là thiếu tính ổn định, pháp luật về kinh tế bị thay đổi liên tục. Những tồn tại này là rào cản lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và xã hội. Và nguyên nhân tạo nên rào cản trên đến từ hai phía, từ phía nhà làm luật và cả phía doanh nghiệp.

Một nguyên nhân pháp luật thay đổi liên tục là chưa phát huy được cơ chế cộng đồng, sự tham gia của doanh nghiệp và người dân (là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách) vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nước ta có nhấn mạnh tầm quan trọng việc lấy ý kiến của cộng đồng, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản trong quá trình xây dựng văn bản pháp quy.

Nhiều năm qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA); Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA),... đặc biệt là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đóng góp rất lớn trong xây dựng các chính sách, văn bản luật. Các hiệp hội này thực chất cũng chính là doanh nghiệp, đại diện quyền lợi cho các doanh nghiệp và nhân sự của hiệp hội cũng thường là CEO của một vài doanh nghiệp mạnh.

Như vậy, việc một doanh nghiệp được tín nhiệm tham gia vào xây dựng luật là hoàn toàn đúng đắn và hiệu quả. Vấn đề chỉ là quy trình xây dựng luật như thế nào để tránh tình trạng doanh nghiệp “lobby” (chạy chọt) nhằm mang lợi ích cho doanh nghiệp hoặc một nhóm lợi ích.

Làm sao để tránh tiêu cực

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định phải đưa những người có chuyên môn, có trải nghiệm thực tế vào quá trình xây dựng luật, giúp nâng cao chất lượng dự thảo, để luật gắn bó và không xa rời với những diễn biến của đời sống, tránh tình trạng "bàn giấy".

Thời gian qua, dư luận đã phản ánh nhiều trường hợp các nhà soạn thảo luật không có trải nghiệm thực tế đã đưa ra những quy định quan liêu kiểu như "ngực lép không được lái xe", rồi "trạm thu giá"... không phù hợp thực tế, gây cản trở sự phát triển, và sau đó luật không đi vào cuộc sống.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TNMT khẳng định, ông đồng ý việc nên có ý kiến của doanh nghiệp và người dân đại diện chung cho cộng đồng tham gia vào việc soạn thảo quy định quản lý, và điều này nên khuyến khích. Nhưng tiếp thu ý kiến như thế nào mới là vấn đề cần phải bàn.

Tuy nhiên, can dự quá sâu kiểu Masan tại dự thảo tiêu chuẩn liên quan tới sản xuất nước mắm lại mang màu sắc khác, khiến xuất hiện nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại sự “lobby”, nhào nặn quy định chỉ nhằm mang lợi ích cho một doanh nghiệp, hoặc một nhóm lợi ích.

Luật sư Nguyễn Tuấn Long, Hội Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng “lobby” luật là có thật, thậm chí là phổ biến. Ví dụ có qui định mỗi bất động sản chỉ được cầm cố tại  một ngân hàng. Do đó, nếu bất động sản đó thuộc diện nợ khó đòi thì chủ tài sản cũng không thể rút ra cầm ngân hàng khác để trả. Đó là cái không tốt khi dành chính sách có lợi cho ngân hàng, mà ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp có tài sản.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tuấn Long, về nguyên tắc, doanh nghiệp cũng là đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật nên doanh nghiệp tham gia xây dựng luật sẽ có tác dụng thực tế, tránh tình trạng “ngồi văn phòng làm luật”. Thường thì đại diện của doanh nghiệp nên thuộc về ban tư vấn, phản biện chính sách sẽ hợp lý hơn.

Khi đó, doanh nghiệp sẽ nói lên những vướng mắc, những khó khăn cần phải tháo gỡ trong thực tế của nền kinh tế. Nếu theo đúng quy trình xây dựng, sau khi soạn thảo, các dự thảo quy định còn tiếp tục lấy ý kiến chỉnh sửa từ cộng đồng và các bộ ngành, việc doanh nghiệp tham gia trong Ban soạn thảo là cần thiết và không đáng lo ngại. 

Tuy nhiên, tham gia quá trình xây dựng luật, doanh nghiệp cũng đều muốn cái lợi về chính sách cho mình. Và đó là điều cần có ứng xử phù hợp, để có thể tận dụng được ý kiến thực sự có giá trị của lực lượng tiên phong làm ra của của cải vật chất là doanh nghiệp. Cơ chế cần tạo điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp để có thể tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế và xã hội. Nhưng nếu quá đà, cơ chế cũng là nền tảng cho những ưu đãi chỉ hướng tới một vài doanh nghiệp, bỏ rơi lợi ích cộng đồng, lợi ích Nhà nước. 

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top