Không phải ai cũng tán được sỏi thận

(khoahocdoisong.vn) - Tán sỏi tiết niệu là một kỹ thuật có nhiều ưu việt, nhưng phải tùy vào vị trí, kích thước sỏi và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Những nguyên nhân gây sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến, chiếm gần 2/3 số các bệnh về tiết niệu gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, niệu đạo. 

BSCKII Phạm Huy Huyên, PCT Hội Thận tiết niệu miền Bắc, Trưởng khoa Ngoại, BV đa khoa QT Thu Cúc cho biết, sỏi tiết niệu hay gặp ở người cao tuổi do chức năng của thận, bàng quang yếu trong khi người cao tuổi thường phải dùng một số thuốc liều cao, dài ngày, sử dụng canxi trong điều trị và phòng loãng xương…Người cao tuổi hấp thu canxi kém, bài tiết canxi gia tăng, lượng canxi dư thừa tăng, liên tục đào thải qua thận, gây lắng đọng và hình thành sỏi ở thận. Việc sử dụng nhiều vitamin C cũng dễ dẫn đến hình thành sỏi bởi sản phẩm chuyển hóa trung gian của vitamin C là axit oxalic được đào thải qua thận, vì vậy khi dùng liên tục và liều cao vitamin C có thể gây nên sỏi oxalat canxi. Với những người mắc gút, lượng axit uric cao trong nước tiểu cũng là nguyên nhân hình thành sỏi. Một số người cao tuổi do thận yếu, ngại uống nước cũng dễ dẫn đến bị sỏi tiết niệu. Đối với người trung tuổi ít vận động, lười uống nước, nhiễm trùng đường tiểu không điều trị dứt điểm làm cho tổ chức thận bị tổn thương, niêm mạc bàng quang, niệu quản, niệu đạo bị viêm rất dễ gây lắng đọng canxi, oxalate tạo nên sỏi.

Sỏi tiết niệu ở trẻ em chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa và những yếu tố thuận lợi như nhiễm trùng đường tiểu, hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, bệnh lý bẩm sinh đường tiết niệu... Các nghiên cứu cho thấy, sỏi tiết niệu liên quan khá mật thiết đến điều kiện khí hậu, nhiệt độ, môi trường, chế độ ăn uống. Nhiều trẻ em cũng như người lao động sống ở vùng núi, vùng nông thôn có nhiệt độ cao, uống ít nước thường mắc bệnh này.

Nhiều kỹ thuật hiện đại điều trị sỏi tiết niệu

Trước đây, để điều trị sỏi tiết niệu, khi sỏi nhỏ, người ta hay sử dụng các loại thuốc Nam để uống cho tiêu sỏi như bồ công anh, kim tiền thảo, râu ngô, bông mã đề, atiso và nghệ. Việc sử dụng phối hợp các vị thuốc giúp bào mòn sỏi và chống viêm. Tuy nhiên, theo BSCKII Phạm Huy Huyên, không có thuốc nào làm tan sỏi được, thuốc Nam chỉ có tác dụng lợi tiểu, làm thông thoáng đường tiết niệu, ngăn chặn hình thành tinh thể gây ra sỏi. Khi mới phát hiện ra sỏi tốt nhất nên điều trị can thiệp sớm để tránh biến chứng. 

Các phương pháp điều trị trên thế giới bao gồm tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laze, tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi ống mềm, trường hợp biến chứng nặng sẽ phải mổ mở và mổ mở chỉ chiếm 5-10%. Hiện tại các bệnh viện ở Việt Nam đã thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ, viên sỏi được tán gián tiếp thành mảnh nhỏ, được đào thải ra ngoài theo đường tự nhiên. Ưu việt của tán sỏi ngoài cơ thể là không phải gây mê, tuyệt đối an toàn, tán xong người bệnh có thể về nhà ngay, thời gian tán sỏi từ 5-50 phút. Sỏi mềm tán khoảng 5 phút, sỏi cứng tán 50 phút.

Theo BS Huyên, hiệu quả tán sỏi phụ thuộc vào tính chất sỏi. Sỏi mềm có thể tán một lần, sỏi rắn tán 2-3 lần. Chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể được thực hiện khi sỏi ở các vị trí tán được, kích thước dưới 2cm. Với sỏi niệu quản, bác sĩ sẽ tán khi kích thước sỏi dưới 1,5cm và sỏi ở đoạn 1/3 trên cao mới tán được. Người có chỉ định tán sỏi thì chức năng thận phải tốt vì sỏi tán thành mảnh nhỏ sau đó quả thận tự đào thải (chức năng thận không tốt không đào thải được), đường bài xuất phải thông thoáng. Các trường hợp bị nhiễm khuẩn không có chỉ định tán. Người bị bệnh cấp tính như tim mạch, phổi cấp tính, rối loạn đông máu cấp tính thì chưa thực hiện được, phải điều trị ổn định mới được tán.

Theo Đời sống
back to top