Theo chuyên gia nghiên cứu tâm lý xã hội Thu Hoài, mỗi người có một cách tận hưởng Tết, có người thích ở nhà quây quần bên mâm cỗ, ly trà thì cũng có người thích đi đây đi đó. Ngày Tết trọn vẹn khi họ cảm thấy đó là cái tết của mình chứ không phải là sống với cái Tết bị áp đặt từ người khác.
Với người xa gia đình, xa quê hương để học tập, mưu sinh cả năm, nếu chỉ có dịp Tết để gặp cha mẹ, anh em, họ hàng thì Tết đến về quê là phải đạo làm con, cũng là một cách du lịch.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, nếu ai đó sống cùng cha mẹ, hoặc ở gần, cứ dăm bữa nửa tháng lại về chăm nom thì ngày Tết đóng cửa đi du lịch một mình hay cả nhà cũng không có gì là sai.
Có những người cho rằng “được nghỉ mấy ngày Tết mà đi chơi xa nghĩa là không tôn trọng truyền thống, vô cảm với gia đình”. Nếu quan điểm thế thì hóa ra, chỉ có dịp Tết để bày tỏ tình yêu thương gia đình hay sao? Chẳng lẽ cả năm chúng ta không thể dành cho gia đình thời gian để yêu thương mà phải đợi đến Tết?
Các chuyên gia xã hội học cũng cho rằng, nếu thực sự quan tâm đến những người thân yêu thì đâu cần Tết mà ngày thường cũng đủ để bạn thể hiện sự quan tâm người thân. Cũng không cần thiết để cả năm lao động vất vả dành tiền về quê ăn Tết. Bởi lẽ Tết luôn là thời điểm vật giá đắt đỏ, ùn tắt giao thông. Về quê với sự chen chúc, tàu xe đông đúc, đắt đỏ, có lẽ sẽ là nỗi ám ảnh của bao gia đình.
Vậy tại sao, chúng ta không được chọn một cái Tết nhẹ nhàng hơn mà nhất quyết phải ép nhau vào những áp lực được gắn nhãn “truyền thống”.
Điều đó không có nghĩa là ta không trân trọng những giá trị xưa cũ, nhưng người trẻ cần được trải nghiệm những hành trình mới, đến những vùng đất mới và lắng nghe những câu chuyện mới chưa từng biết đến.
Như câu nói “đi để trở về”, nếu không có những cái Tết xa quê thì sẽ không có nỗi nhớ mùi Tết quê nhà. Từ đó, ta mới biết quý những giây phút đoàn viên.
Về quê ăn Tết hay đi du lịch, hay đơn giản hơn là ở lại thành phố đón tết đều không quan trọng, miễn sao người ta không thấy mất đi cái vị Tết trong mỗi người.