Không ngừng chiến đấu vì sự sống bệnh nhân

Nhân viên y tế mọi lĩnh vực đang chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 vì sự sống bệnh nhân. Bất cứ khi nào bệnh nhân đến, họ đều sẵn sàng bởi hơn bao giờ hết, lúc này người dân đang rất cần được chăm sóc y tế.

Ca mổ đột quỵ thời chiến

Bệnh nhân nữ (56 tuổi) đang điều trị Covid- 19 suốt 3 tuần tại bệnh viện tầng 2 ở quận 10, bỗng nhiên liệt nửa người phải, lơ mơ dần và bắt đầu hôn mê. Bệnh nhân được chụp CTscan sọ não ghi nhận xuất huyết não thái dương phải lượng lớn, ước tính trên 40cm3, chèn ép não nặng. Sau khi hội chẩn chuyên khoa Ngoại Thần kinh, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM.

ca-mo-dot-quy-thoi-chien.jpg
TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, cùng ê kip đã mổ cho bệnh nhân Covid-19 đột quỵ do vỡ dị dạng mạch máu. 

“Chúng tôi nhận diện khối xuất huyết trong não của bệnh nhân và nghĩ do vỡ dị dạng mạch máu não và cần can thiệp phẫu thuật cấp cứu. Sau đó, các bác sĩ từ Khoa Ngoại Thần kinh, Can thiệp Mạch máu Não, Gây mê Hồi sức, và điều trị Covid-19 đã hội chẩn”, TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết.

Kết quả hội chẩn thống nhất sẽ tiến hành chụp mạch máu não và gây tắc mạch máu nuôi sau đó chuyển bệnh nhân phẫu thuật ở phòng mổ dành cho bệnh nhân Covid-19. Trong điều kiện bình thường, trường hợp này có lẽ không phải là vấn đề đối với bệnh viện và ekip phẫu thuật, nhưng trong “thời chiến” với dịch Covid-19, tất cả mọi quy trình từ di chuyển bệnh nhân, chụp và can thiệp mạch máu não đến phẫu thuật đều phải đảm bảo an toàn phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm và an toàn phẫu thuật.

Ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ, ekip chụp mạch máu phát hiện khối dị dạng mạch máu não lớn và gây tắc một phần mạch máu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển mổ ngay tại phòng mổ Covid-19 để lấy toàn bộ khối máu tụ và dị dạng mạch máu. Sau phẫu thuật, người bệnh được chuyển sang khu điều trị Covid-19 của bệnh viện để tiếp tục điều trị hồi sức.

Các kết quả chụp CTscan não sau phẫu thuật ghi nhận bệnh nhân đã được lấy toàn bộ khối xuất huyết và dị dạng. Sau 2 tuần điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã hồi phục tỉnh táo và được xuất viện với kết quả xét nghiệm PCR Covid-19 (-).

TS.BS Phạm Anh Tuấn chia sẻ, qua gần 2 tháng làm việc khi Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM tách đôi để điều trị bệnh nhân Covid-19 và không mắc Covid-19, các bác sĩ vẫn phải điều trị, mổ xẻ cho cả những bệnh nhân Covid-19, nghi ngờ Covid-19.

dieu-duong-va-bn-covid.jpg
Câu chuyện của bệnh nhân nói trên chỉ trong hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 đã được hồi phục và xuất viện.

“Đây là thời khắc chưa từng có trước đây, nhưng bệnh nhân được điều trị thành công, kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và đủ điều kiện xuất viện… đã giúp cho tập thể chúng tôi vượt qua những thử thách và gặt hái nhiều kinh nghiệm cho công tác điều trị - chăm sóc người bệnh trong thời gian tới khi chúng ta phải sống cùng căn bệnh Covid-19 quái ác này”, TS.BS Phạm Anh Tuấn tâm sự.

Không ngừng những cuộc chiến vì sự sống

Câu chuyện của bệnh nhân nói trên chỉ trong hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 đã được hồi phục và xuất viện. 

Những ngày tập trung cao độ dõi theo và chăm sóc bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức Tích cực Người bệnh Covid-19 của Bệnh viện T.Ư Huế, anh Trần Thanh Hưng, Điều dưỡng viên của Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết: “Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 khó khăn hơn rất nhiều. Bởi bệnh nhân Covid-19 khi ăn, đường thở không thông suốt, oxy trong máu cũng vì thế mà tuột xuống rất nhanh và nguy cơ cấp cứu khẩn trương cũng diễn ra trong tích tắc”.

dieu-duong.jpg
Nhân viên y tế lúc nào đang “canh” từng giây để dõi theo chỉ số sinh tồn của bệnh nhân Covid-19. 

Mặc dù nằm trong “luồng xanh”, luồng an toàn của Trung tâm Hồi sức Tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện T.Ư Huế (Bệnh viện dã chiến số 14, tại quận Tân Phú, TPHCM) nhưng phòng xét nghiệm lại luôn trong tình trạng đóng chặt, bởi đây là nơi tập trung các mẫu dịch tễ của bệnh nhân mắc Covid-19.

Nhân viên xét nghiệm cũng luôn túc trực “canh” từng giây, dõi theo chỉ số sinh tồn ở bệnh nhân nguy kịch bên kia khu điều trị. Họ cũng mặc đồ bảo hộ, cũng “luôn chân luôn tay” lấy mẫu làm xét nghiệm. Đặc biệt, với số lượng bệnh nhân luôn trên 300 người, tổ xét nghiệm phải luôn trực 24/24.

Chiếc điện thoại kết nối với các khoa, phòng đặt bên cạnh máy phân tích mẫu lại vang lên, vì kết quả của bệnh nhân này hay bổ sung thêm mẫu xét nghiệm nào đó của bệnh nhân Covid-19 nặng cần cập nhật thông tin ngay.

Ca làm việc của Trưởng khoa Xét nghiệm, TS.BS Tôn Thất Ngọc, có thể kéo dài đến 12 giờ/ngày.

 Không ngừng chiến đấu vì sự sống bệnh nhân ảnh 4
Ca làm việc của Trưởng khoa Xét nghiệm, TS.BS Tôn Thất Ngọc, có thể kéo dài đến 12 giờ/ngày.

TS.BS Tôn Thất Ngọc chia sẻ: “Tổ của tôi phụ trách có 6 nhân sự trực xét nghiệm PCR với các mẫu dịch tễ Covid-19. Còn lại 12 nhân sự sẽ thay nhau phụ trách các xét nghiệm khác như điện giải, đông máu, xét nghiệm sinh hóa… cho bệnh nhân Covid-19. Cũng giống như nhân sự trong phòng bệnh, nhân viên xét nghiệm phải làm việc trong tinh thần khẩn trương nhất để sớm có kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân. Tổ xét nghiệm chủ động liên lạc với bộ phận bên trong khu điều trị để lấy mẫu, hoặc liên lạc với bộ phận hành chính để chỉ định các xét nghiệm sớm, thiếu mẫu, hoặc bổ sung những xét nghiệm khác cần thiết trong điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi lúc nào cũng phải làm việc gấp 3 lần công suất”.

BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM chia sẻ: "Mọi thứ thay đổi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác trên bệnh nhân Covid-19 đòi hỏi các y bác sĩ, nhân viên y tế đã không ngừng chăm sóc bệnh nhân, thực tế là 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Bất cứ khi nào bệnh nhân đến, họ đều sẵn sàng. Nếu chúng ta không bảo vệ cộng đồng, ngay cả mạng sống những người thân quen của chúng ta cũng sẽ khó bảo toàn vì sự lây lan của đại dịch Covid-19. Hơn bao giờ hết, lúc này người dân đang rất cần được chăm sóc y tế".

Theo Đời sống
back to top