Công nghệ làm giảm áp lực
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) là giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh Covid-19 nặng. Hiện nền tảng này đã được triển khai toàn bộ tới các tuyến huyện trên cả nước, mang lại lợi ích nhiều mặt. Nền tảng này giúp tổ chức hội chẩn trực tuyến từ xa để nắm bắt và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân Covid-19 và cả các bệnh khác. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19. |
TS.BS Phan Hữu Phúc, Bệnh viện Nhi T.Ư tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Vĩnh Long cho biết, chiến lược đang được áp dụng hiệu quả là cá thể hóa cho từng bệnh nhân để có từng phương án điều trị thích hợp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ đó hạn chế tối đa các ca bệnh phải đặt nội khí quản. Tập trung vào hỗ trợ hô hấp từ thở oxy đến oxy dòng cao, thở máy không xâm lấn. Tích cực thay đổi tư thế (nằm sấp) cho bệnh nhân. Duy trì oxy để liên tục chờ thời gian tối ưu hóa sử dụng các loại thuốc kháng đông, chống viêm… Bên cạnh đó, điều chỉnh phương án điều trị với diễn tiến của từng người bệnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng nhấn mạnh: Hệ thống chỉ đạo chống dịch, điều trị phải thông suốt, phối hợp nhịp nhàng. Các tỉnh cần tăng cường hoạt động hội chẩn từ xa để lĩnh hội các kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn từ tuyến trên cho tuyến dưới. Thông qua kết nối này, lãnh đạo tỉnh hàng ngày nắm chắc, nắm rõ quy trình chuyển bệnh, ca bệnh nặng, ca bệnh nhẹ.
Chăm sóc bệnh nhân tại trung tâm hồi sức. |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các Trung tâm Hồi sức cấp cứu đều được trang bị các thiết bị y tế hiện đại, vật tư y tế, thuốc men được huy động đầy đủ để điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Đặc biệt, tại Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19 do Bệnh viện T.Ư Huế phụ trách còn có hệ thống robot hỗ trợ. ThS Huỳnh Phúc Minh, Trưởng phòng Quản lý phòng bệnh và Cơ sở vật chất (Bệnh viện T.Ư Huế) cho biết, ai cũng sẵn sàng làm việc gấp 2 - 3 lần công suất với mong ước lớn nhất là người bệnh thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Đây là tuyến điều trị ở tầng cao nhất, nên xác định giảm nhẹ tình trạng của bệnh nhân nặng là mục tiêu hàng đầu. Ngoài chuyên gia, y bác sĩ giàu chuyên môn, nhiệt huyết, các công nghệ và thiết bị như robot cũng đã đưa vào hoạt động. Robot sẽ nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình ra bên ngoài. Đồng thời Robot còn vận chuyển thức ăn, đồ uống, vật tư tiêu hao vào phòng bệnh.
Robot này giúp y bác sĩ giảm áp lực khi hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, tránh bị lây nhiễm trong quá trình điều trị cũng như góp phần giảm lây lan Covid-19 ra cộng đồng.
Robot hỗ trợ bệnh nhân. |
FO ở nhà yên tâm với “cách tay nối dài”
Không còn bấn loạn, buồn bã vì nhiễm Covid-19, các F0 đang điều trị tại nhà ở TPHCM đã được các trạm y tế lưu động chăm sóc. 400 trạm y tế lưu động ở TPHCM (phần lớn đặt tại các trường học) được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, 2 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà... cho người F0, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác.
Trạm y tế lưu động. |
Mỗi trạm tập trung nhân lực từ các nguồn như y bác sĩ tình nguyện, nhân viên y tế tại chỗ, các cán bộ hỗ trợ… Đây là cánh tay nối dài cho các cơ sơ y tế để chăm sóc tốt nhất cho F0 đang điều trị tại nhà. Các trạm y tế lưu động này thường xuyên đến tận nhà dân để tư vấn, đo SpO2, hỗ trợ oxy, tiến hành các bước sàng lọc, liên hệ chuyển tuyến...
Chị Nguyễn Thị Linh (xã Bình Hưng, Bình Chánh, TPHCM) chia sẻ: Từ ngày có trạm y tế lưu động này rất thuận tiện. Bất kể thông tin gì về Covid-19 được được tư vấn, cung cấp đầy đủ ngay. Trạm y tế lưu động còn kết hợp chặt chẽ với các tình nguyện viên từ các đội cấp cứu, ai bệnh nặng được hỗ trợ chăm sóc ngay. Người dân, nhất là tuổi cao và trẻ nhỏ đều vui mừng khi có các trạm Y tế lưu động này.