Ngày còn trẻ, tôi bị người tình bỏ rơi khi đang mang thai. Thương đứa trẻ trong bụng, tôi đã bỏ đi xa, sinh con. Nhưng sinh xong, tôi vội vã cho đi đứa trẻ, để quay về quê, coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Thế rồi, tôi lấy chồng, sinh con, cũng như bao người phụ nữ khác. Tuy nhiên, cuộc đời chẳng biết đâu chữ ngờ, mà đó cũng có thể là duyên phận.
Trong các sinh viên tôi hướng dẫn thực tập, có một cô bé nhận tôi là mẹ nuôi. Tôi cũng rất quý cô bé. Có điều, ai cũng nói trông chúng tôi giống nhau như hai mẹ con. Hỏi chuyện cuộc đời cô bé, tôi hơi nghi ngờ, ngay khi con nói con chỉ là con nuôi. Tôi đã lén thử ADN, thật bất ngờ, chúng tôi là mẹ con. Tôi chới với. Bao nhiêu năm, không ngày nào tôi không nghĩ về con. Nhưng giờ đối diện, tôi lại thấy hổ thẹn. Tôi không biết phải đối diện với chuyện này thế nào, có nên nói cho con biết sự thật mối quan hệ này không?
Nguyễn Thị Ngọc Mai (Thái Bình)
Không ngờ con nuôi là con đẻ. Ảnh minh họa.
Ngọc Mai thân, đọc thư của chị mới thấy, quả thực, trong cuộc sống, có lẽ nhân duyên là có thật. Không ngờ, đứa con mà chị bỏ rơi, rồi đau đáu bao năm qua, giờ lại ở gần ngay chị, và lại gọi chị là “mẹ”. Giờ chị băn khoăn, không biết có nên nói cho con biết sự thật mối quan hệ này không?
Theo Tri Giao, trước hết, chị nên thăm dò ý cô bé, xem suy nghĩ, tình cảm của cô đối với người mẹ ruột như thế nào, có mong ngóng nhận mẹ hay không, hay là hận thù? Ngoài ra, là cha mẹ nuôi của cô bé ấy là người như thế nào, chị cũng có thể tìm hiểu tâm tư của họ… Đặc biệt, là với chồng chị, việc này có thể là một cú sốc lớn đối với anh, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình…
Nếu sau khi tìm hiểu, mà việc này gây xáo trộn, ảnh hưởng tới cuộc sống quá nhiều người liên quan, thì cần thận trọng, có thể đợi một thời điểm khác. Chị hãy cứ quan tâm, chăm sóc, yêu thương cô bé, đó cũng là một điều hạnh phúc, không cứ phải “chính danh”.
Tri Giao