Không cổ vũ cho đại gia – chân dài

Theo TS Đỗ Văn Quân, Viện Xã hội học, vụ án giữa Trương Hồ Phương Nga và Cao Toàn Mỹ xét về bản chất là mối quan hệ giữa đại gia và chân dài, là một hiện tượng sai lệch xã hội. Nếu  không có cái nhìn khoa học dễ biến thành sự cổ vũ.

Không cổ vũ cho đại gia – chân dài!

 Không cổ vũ cho đại gia – chân dài ảnh 1

Mất nhiều nhất là xã hội

Vụ án Trương Hồ Phương Nga – Cao Toàn Mỹ đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, ông có quan tâm tới vụ án này không? Suy nghĩ của ông ra sao?

Tôi cũng có theo dõi qua một số phương tiện thông tin đại chúng, bản thân tôi cho rằng xuất phát điểm và bản chất của nó cũng giống như bao vụ việc giữa đại gia và chân dài khác. Điển hình của sự sai lệch xã hội, thể hiện mối quan hệ giữa kẻ có tiền, người có sắc, đó là sự trao đổi, mua bán, là những sai lệch xã hội cần phải được điều chỉnh, kiểm soát bởi các thiết chế xã hội.

Bình thường với các vụ việc chân dài – đại gia khác thì người phụ nữ thường bị lên án, đặc biệt là người thứ ba dễ bị dư luận chỉ trích gay gắt. Thế nhưng trong vụ án này, dường như Hồ Phương Nga lại chiếm được cảm tình của dư luận, được ủng hộ. Theo ông vì sao?

Như tôi vừa nói, xuất phát từ mối quan hệ đại gia chân dài, người này có cái này trao đi, người kia có cái kia trao lại, nó là sự trao đổi ngang giá. Có thể với anh, 16,5 tỷ là quá đắt, nhưng theo dư luận lại không là gì. Vì là hoa hậu và đại gia chịu chơi cơ mà, phải “chơi đẹp” chứ. Hơn nữa, dân gian vẫn có câu kiểu: “bắc thang lên hỏi ông giời, tiền đem cho gái có đòi được không”.

Như vậy, kể cả cô này có lừa đảo thật thì người ta vẫn nghĩ như vậy. Cơ quan công tố thì họ làm theo các quy định pháp luật hiện hành, nếu đúng là có tội lừa đảo thì phải chịu đi tù. Nhưng có “một cái pháp luật trong nháy nháy” cho rằng kể cả ông này bị lừa, cô kia là tội phạm thì người ta vẫn nghiêng về cô kia.

Như vậy có thể hiểu việc Cao Toàn Mỹ kiện ra tòa là “chơi” không đẹp?

Tôi nghĩ, chẳng ai đến mức dại dột tự dưng đưa bấy nhiêu tiền. Kể cả việc đó có không ngang giá có hơi bị đắt nhưng phải chấp nhận vì ai định lượng được.  Đã có gan  lệch xã hội thì phải có gan chịu trách nhiệm cho sai lệch chứ.

Nhưng tôi phân vân, liệu chúng ta ủng hộ, thậm chí là tán tụng cho một cô gái mà hành vi xuất phát từ sự sai lệch xã hội, có dẫn tới việc đảo lộn các giá trị sống không, thưa ông?

Tôi nghĩ không hẳn thế, mà tùy từng tính chất vụ việc. Tuy nhiên tôi cho rằng, dù ai đúng ai sai, dù người bị oan là ai, thì đối tượng bị mất nhiều nhất là xã hội, nhất là khi chúng ta đang định hướng cần phải xây dựng phát triển xã hội theo hướng lành mạnh, bền vững.

Tất nhiên trong xã hội bao giờ cũng xuất hiện hiện tượng sai lệch, và nó luôn đòi hỏi xã hội phải có khả năng kiểm soát. Trong sai lệch xã hội có có sai lệch tích cực và tiêu cực. Tích cực ví dụ như văn nghệ sĩ phải sai lệch một chút mới có tác phẩm hay, một nhà chính trị phải phá bỏ những khuôn khổ theo truyền thống đã lỗi thời. Vấn đề là làm sao kiểm soát để tăng cái tích cực, giảm cái tiêu cực đi chứ không phải như xã hội hiện nay quá nhiều sai lệch xã hội theo hướng tiêu cực. Trong đó truyền thông, báo chí phải chịu một phần trách nhiệm. Ví dụ việc liên tục cập nhật, đưa tin về vụ án quá chi tiết trong khi lại không đưa ra những cảnh báo cần thiết cho xã hội.

Hãy để cho cơ quan chức năng làm việc

Vì sao ông nói thế?

Vì như tôi đã nói nó bắt nguồn từ hiện tượng sai lệch xã hội, các bên có sự chủ động tham gia hợp đồng tình yêu, tình dục, dẫn tới sự lừa đảo, rồi kiện cáo, đưa nhau ra tòa. Điều này nó phản ánh bản thân họ là những người nổi tiếng nhưng thiếu sự tự kiểm soát và sự kiểm soát từ phía xã hội cũng chưa tốt, cho nên nó mới đẩy lên như vậy.

Giờ mình biến nó thành tiêu điểm, cả xã hội tập trung vào đó, tốn bao công sức, bút mực, nhưng để làm gì? Trong khi còn có biết bao nhiêu vụ việc mà báo chí và dư luận xã hội cần xã hội quan tâm hơn.

Vụ án đang diễn ra với nhiều tình tiết mà theo đánh giá của dư luận là “ly kỳ, hấp dẫn”. Và từ đây cũng hé lộ nhiều mảng tối xoay quanh quyền lực của đồng tiền. Việc lên tiếng, bảo vệ công bằng cũng là việc nên làm chứ?

Tôi cho rằng, những vụ việc oan sai như ông Nguyễn Thanh Chấn, hiếp dâm trẻ em… thì cần sự vào cuộc của truyền thông, dư luận xã hội, vì đó thuộc nhóm người oan sai hoặc yếu thế, cần được gây áp lực từ dư luận. Còn vụ việc này, thực ra chả có gì mới, chả có ai yếu thế, họ tự nguyện tham gia hợp đồng, rồi lại tự gây rắc rối cho chính bản thân mình.

Tôi cho rằng, cái cần thiết và cái mới ở đây chính là phải nhìn vụ việc để có nghiên cứu khoa học bài bản và đưa ra những cảnh báo cho xã hội về một xu hướng sai lệch xã hội cần phải được kiểm soát kịp thời.

Nhưng chí ít qua việc mô tả vụ việc nó cũng mang tính công bằng nghiêm minh của pháp luật?

Theo tôi, việc phán xét oan hay không oan, lừa đảo hay không lừa đảo hãy để cơ quan chức năng làm việc, hãy để cho luật sư và các chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Càng phát triển càng tăng cường thiết chế

Đại gia – chân dài, là những hình mẫu mà nhiều bạn trẻ hiện nay khao khát, thậm chí thần tượng. Tuy nhiên, liên tiếp gần đây lại có những vụ việc lùm xùm liên quan đến những hình tượng này. Theo ông, điều đó có nguy hiểm không, đặc biệt tầng lớp đại gia vốn gắn liền với sự giàu có, được cho là một trong những tầng lớp thúc đẩy sự đi lên của đất nước?

Ai bảo đại gia là tầng lớp đưa đất nước đi lên? Tầng lớp tinh hoa mới đưa đất nước đi lên chứ. Việc ngưỡng mộ đại gia quá mức cũng cho thấy sự sai lệch xã hội, vì đại gia thường gắn liền với sự ăn chơi, xa hoa, hưởng thụ.

Nhiều người có tiền hay có sắc đẹp tự cho mình quyền “siêu sức mạnh”, làm gì cũng được mà không hiểu rằng càng nổi tiếng lại càng phải có trách nhiệm với quốc gia dân tộc, sống với những chuẩn mực, giá trị xã hội hiện hành. Xã hội đã cho anh cơ hội kiếm tiền, thì anh phải có trách nhiệm trở lại đối với xã hội.

Việc chạy theo lối sống “kim tiền” có phải là hệ quả tất yếu của của một xã hội trong quá trình phát triển không thưa ông?

Một xã hội chuyển đổi nhanh thường xuất hiện sai lệch, nó là quy luật không tránh khỏi.

Vậy lẽ nào chúng ta buộc phải chấp nhận những sai lệch, và những vụ việc giống như Hồ Phương Nga – Cao Toàn Mỹ?

Chúng ta không thừa nhận nhưng buộc chấp nhận xã hội có những sai lệch kiểu như vậy. Tuy nhiên, phải có giải pháp để ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu tác động tiêu cực của nó. Hai cái đều đất yếu như nhau cả. Xã hội càng phát triển càng đòi hỏi phải có hệ thống thiết chế xã hội có khả năng kiểm soát các hành vi, quan hệ trong xã hội phù hợp và hiệu quả.

Ông đánh giá thế nào về các thiết chế của chúng ta hiện nay?

Hiện tại, các thiết chế xã hội trong việc thực hiện các chức năng của mình được chưa tốt, mỗi thiết chế xã hội đang có xu hướng “thái quá” theo lợi ích của mình. Ví dụ trong gia đình bố mẹ lao theo lợi ích kinh tế; văn hóa lao theo những hiện tượng sai lệch xã hội; dư luận xã hội có xu hướng đi theo sự dẫn dắt của một nhóm người… Truyền thông, báo chí cần thực hiện tốt chức năng định hướng, cân bằng thông tin cho xã hội..

Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top