Khối u vỡ loét chảy dịch do điều trị ung thư vú bằng đắp thuốc nam

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận điều trị cho người bệnh 58 tuổi bị vỡ loét, chảy máu, hoại tử vú phải sau khi đắp thuốc nam điều trị ung thư vú.

U lớn lở loét vì bỏ điều trị

Người bệnh C. đi khám và phát hiện ung thư vú phải từ năm 2022 nhưng không điều trị mà về nhà đắp thuốc nam. Tuy nhiên, bệnh không đỡ mà ngày càng nặng hơn, khối u ngày càng to, biến dạng sùi loét, chảy máu khiến người bệnh vô cùng đau đớn.

Tháng 8/2024, người bệnh đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng suy kiệt, khối u vú phải kích thước lớn, vỡ loét chảy dịch, thâm nhiễm rộng tổ chức da vùng ngực, di căn hạch và di căn xa nhiều nơi. Với trường hợp này điều trị và chăm sóc rất khó khăn.

BSCKII Trần Xuân Vĩnh, Trưởng khoa Hóa trị và Chăm sóc giảm nhẹ cho biết: Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời vẫn có cơ hội thành công.

Tuy nhiên, thật đáng buồn, người bệnh này khi phát hiện ung thư vú đã không điều trị theo tư vấn của bác sĩ mà tự điều trị bằng thuốc nam dẫn đến bệnh tiến triển nặng. Đến nay, người bệnh không có hy vọng điều trị khỏi bệnh nữa, chỉ điều trị triệu chứng để bệnh không tiến triển quá nhanh, kéo dài hơn sự sống, giảm sự đau đớn cho người bệnh.

Hình ảnh chụp CT trước và sau điều trị của người bệnh - Ảnh BVCC

Hình ảnh chụp CT trước và sau điều trị của người bệnh - Ảnh BVCC

Sự nguy hiểm của các phương pháp truyền miệng

BSCKII Trần Xuân Vĩnh khuyến cáo, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của các phương pháp truyền miệng, không có cơ sở khoa học và không đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh nói chung và ung thư nói riêng, nhưng vẫn có không ít người bệnh đặt niềm tin vào những tác dụng “thần kỳ” của những phương pháp chữa trị này.

Đáng tiếc là họ đã từ chối cơ hội điều trị bằng y học hiện đại, khiến bệnh tiến triển nặng hơn và đánh mất khả năng kiểm soát căn bệnh ung thư của chính mình.

Trên thực tế, người bệnh trên chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đã bị lỡ mất “thời điểm vàng” điều trị bệnh do sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, các loại thực phẩm chức năng bị thổi phồng công dụng, điều trị theo “lời đồn” hoặc theo những lời truyền miệng thiếu căn cứ…

Hậu quả là tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm. Và Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận điều trị rất nhiều trường hợp phức tạp như: người bệnh đột quỵ bị lỡ “thời điểm vàng” do người nhà tự cho uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh bị suy thận nặng do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, người bệnh bị ung thư tiến triển nhanh chóng do chữa theo hướng dẫn trên facebook…

Qua đây, bác sĩ Trần Xuân Vĩnh khuyên người dân cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm 1 lần để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Khi phát hiện bệnh cần thực hiện điều trị theo đúng phác đồ, dưới sự giám sát của các cán bộ y tế.

Người trẻ cũng nên kiểm tra phát hiện sớm ung thư vú

Riêng đối với bệnh ung thư vú, bác sĩ Vĩnh nhấn mạnh: Để phát hiện sớm bệnh ung thư vú, ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau khi sạch kinh từ 3-5 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường, đau tức vú, ngực có hạch ở nách, vú thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử người thân bị các bệnh ung thư hoặc/và ung thư buồng trứng, người có đột biến gen di truyền BRCA1/BRCA2, có kinh sớm – mãn kinh muộn, tiền sử xạ trị vùng ngực,…thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ, nhất là phụ nữ ở tuổi ngoài 40 nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.

Người bệnh đã được chẩn đoán xác định ung thư vú cần thực hiện theo phác đồ điều trị ung thư của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, đắp lá hay sử dụng các loại thực phẩm chức năng bị thổi phồng công dụng… không phải là phương pháp khoa học có tác dụng điều trị ung thư.

Việc tự điều trị bệnh không theo phác đồ và không có sự giám sát của nhân viên y tế sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, tiền mất tật mang, khiến người bệnh bỏ lỡ “thời điểm vàng” của việc điều trị, ung thư sẽ phát triển đến giai đoạn muộn dẫn tới việc điều trị khó khăn hoặc không thể điều trị.

Theo VietnamDaily
Hội chứng đau cơ xơ hóa là gì?

Hội chứng đau cơ xơ hóa là gì?

Hội chứng đau cơ xơ hoá là một tình trạng đau mạn tính trong cơ, dây chằng, gân và các tổ chức phần mềm của cơ thể. Đau cơ xơ hoá thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, mất ngủ, hoặc trầm cảm nhưng không có tổn thương thực thể.
Virus HMPV lây lan như thế nào?

Virus HMPV lây lan như thế nào?

Virus có thể lây lan qua các giọt bắn nhỏ li ti trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những giọt bắn này có thể chứa virus HMPV và xâm nhập vào đường hô hấp của người khỏe mạnh.
back to top