Khoai sọ rất giàu dinh dưỡng. Trong 100g củ khoai sọ tươi có chứa nước 60g, protid 1,8, lipid 0,1, glucid 26,5, cellulose 1,2, tro 1,4 và 64mg canxi, 75mg photpho, 1,5mg sắt, 0,02mg caroten, 0,06mg vitamin B1, 0,03mg vitamin B2, 0,1mg vitamin PP, 4mg vitamin C. Khoai sọ chứa một lượng kali khá lớn, giúp kiểm soát huyết áp đồng thời hạn chế nguy cơ bị cao huyết áp. Lượng chất xơ dồi dào trong khoai sọ giúp nhuận tràng, thải cặn bã ra khỏi cơ thể nhanh chóng. Khoai sọ chứa hàm lượng vitamin C và B6 dồi dào giúp cơ thể tăng đề kháng. Trong khoai sọ có chứa hơn 17 loại axit amin rất cần thiết cho cơ thể, ngoài ra còn chứa omega-3 và 6 rất tốt với tim mạch, mắt, trí não, thích hợp làm thực phẩm cho trẻ nhỏ, người lao động trí óc và cả người có tuổi. Ngoài ra, khoai sọ còn có nhiều tác dụng khác như chống suy nhược cơ thể, tiêu khát, chữa mệt mỏi, kém ăn, kiết lỵ…
Người ta ước tính 100g khoai sọ cung cấp khoảng 112 calo, lượng calo của khoai sọ chủ yếu đến từ các carbohydrate phức hay gọi là các amylose và amylopectin. Khoai sọ ít chất béo và protein cao hơn so với ngũ cốc và các loại đậu, vì vậy có thể ăn khoai sọ thay cho ngũ cốc. Trẻ hay táo bón ăn khoai sọ rất tốt. Khoai sọ chứa khoảng 27% lượng chất xơ mà cơ thể cần hấp thụ mỗi ngày, vì vậy nó rất có ích trong việc hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chất bột đường trong khoai sọ rất nhỏ nên tốt cho học sinh, sinh viên, người lao động phải hoạt động nhiều khắc phục mệt mỏi vì ăn khoai sọ cung cấp năng lượng nhưng lại không làm tăng glucose trong máu.
Vào mùa hè ăn khoai sọ nấu canh cua rau muống giúp tăng cường sức khỏe, tiêu khát, giải nhiệt. Người gầy, suy nhược cơ thể có thể ăn khoai sọ nấu xương lợn giúp cơ thể mau chóng hồi phục. Với người kém ăn, mất ngủ nên nấu canh cua, khoai sọ, rau rút ăn tuần vài lần sẽ khắc phục được chứng bồn chồn, giúp ăn ngủ tốt. Trẻ mới ốm dậy nên cho ăn chè khoai sọ táo tàu. Lấy khoai sọ gọt vỏ, thái thành miếng nhỏ. Táo tàu, đường đỏ lượng vừa đủ, nấu nhỏ lửa thành món chè, chia 3 - 4 lần ăn trong ngày. Món ăn ngày giúp phòng và tránh suy nhược, phiền khát sau khi ốm dậy.
BS Tuấn Anh (TP Huế)