Khó thở vì bướu cổ chèn ép

(khoahocdoisong.vn) - Trong một phiên trực cuối chiều, chúng tôi được điện thoại gọi xuống Khoa Cấp cứu gấp. Một bệnh nhân nữ tuổi trạc trên 50, thân hình gầy gò với một cái bướu giáp (bướu cổ) khá to, bệnh nhân không thể nằm ngửa được và phải ngồi dậy để thở.

Chẩn đoán không khó

Bệnh nhân cho biết đã bị bướu giáp trên 30 năm nay. Lúc đầu bướu còn nhỏ và không gây khó chịu gì, gần đây thấy bướu lớn nhanh và chèn ép gây khó thở liên tục, không làm gì được. Bệnh nhân phải mổ cắt bỏ bướu giáp và treo khí quản để giải quyết vấn đề khó thở.

Những trường hợp khó thở tương tự trên cũng còn gặp ở cả những bệnh nhân hoàn toàn không thấy bướu giáp. Tuy nhiên, trên phim chụp X-quang thông thường, khí quản bị đẩy lệch và chèn ép bởi bướu giáp thòng nằm trong lồng ngực, bệnh nhân hoàn toàn không hay biết gì về bệnh tật của mình.

Trong tất cả những nguyên nhân gây khó thở do chèn ép đường thở, một nguyên nhân hay gặp nhưng cũng ít được chú ý nhất là bướu giáp.

Trong tất cả những nguyên nhân gây khó thở do chèn ép đường thở, một nguyên nhân hay gặp nhưng cũng ít được chú ý nhất là bướu giáp.

Bướu giáp to rất nhanh, chỉ trong một ngày có thể lớn với đường kính trên 10cm và chèn ép vào khí quản gây khó thở. Tuyến giáp bình thường cân nặng vào khoảng 30g, khi phát triển thành bướu sẽ tăng khối lượng lên rất nhiều; có những trường hợp lên đến 400 - 500g.

Sự chèn ép của bướu giáp vào khí quản và gây khó thở không chỉ phụ thuộc vào khối lượng của bướu mà còn theo vị trí, do khoang trung thất trước khá hẹp nên các bướu giáp thòng dù khối lượng nhỏ cũng dễ dàng gây chèn ép. Những bướu giáp phát triển lên trên và ra trước cổ thường ít chèn ép hơn và cũng dễ phát hiện hơn.

Ttrong thời kỳ đầu, bướu giáp thường gây khó thở khí gắng sức về sau khó thở liên tục, thở vào chậm và khò khè giống như hen phế quản. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt với khó thở chức năng trong những trường hợp loạn cảm thành họng do viêm xoang sàng hoặc viêm họng mạn tính là triệu chứng rất hay gặp ở phòng khám. Bệnh nhân hay than có cảm giác vướng, nuốt nghẹn khó thở ở vùng cổ. 

Chẩn đoán bệnh thật ra cũng không khó, nhất là khi có sự trợ giúp của các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng hiện đại như X-quang, siêu âm…

Siêu âm tuyến giáp với những lợi điểm: Nhanh chóng, chính xác, hiệu quả kinh tế cao và nhất là không gây tổn hại cho bệnh nhân. Qua siêu âm người thầy thuốc còn có thể đánh giá chính xác kích thước, khối lượng và mức độ chèn ép của bướu.

Một số trường hợp, nếu nghi nghờ ung thư tuyến giáp, nhất là bướu giáp chèn ép gây khó thở trên một bệnh nhân lớn tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định làm xạ hình tuyến giáp với iode đồng vị phóng xạ 131. Những trường hợp dị ứng với iode có thể dùng Technicium 99, tuy nhiên độ đặc hiệu của technicium 99 đối với tuyến giáp không cao bằng iode 13I. Kết quả xạ hình tuyến giáp thường cho phép người thầy thuốc phát hiện những hạch di căn để có thái độ xử trí khi phẫu thuật.

Ở một số bệnh viện có phương tiện chẩn đoán hiện đại, bệnh nhân có thể được làm nội soi phế quản bằng ống nội soi mềm. Với ống nội soi mềm, chúng ta quan sát được khí quản bị chèn ép từ ngoài vào do bướu giáp hay bị thâm nhiễm làm tắc đường thông khí, hoặc liệt thanh quản do ung thư tuyến giáp xâm lấn.

Điều trị theo chuyên khoa cũng không phải là khó khăn lắm. Với một số bệnh viện tuyến tỉnh, nếu được trang bị tốt cũng có thể tiến hành mổ cho bệnh nhân được.

Dinh dưỡng cho người mắc bướu giáp

Theo các công trình nghiên cứu của một số chuyên gia y học và nội tiết hàng đầu thế giới, một số loại thức ăn có tồn tại các tác nhân gây bệnh bướu giáp như khoa mì, hạt kê, các loại rau họ cải như bắp cải, sữa đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành như đậu phụ… Trong khi đó, các loại rong tảo biển, do chứa quá nhiều iode gây nên tình trạng quá tải iode và cũng làm cho bệnh nhân bị bướu cổ. Chính vì vậy, ở những bệnh nhân bị bệnh bướu cổ, họ thường được khuyên là hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này.

Nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh bướu cổ liên quan đến chế độ dinh dưỡng chính là tình trạng thiếu hoặc dư thừa Iode trong khẩu phần ăn hằng ngày. Ảnh: Một số thực phẩm giàu Iode.

Nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh bướu cổ liên quan đến chế độ dinh dưỡng chính là tình trạng thiếu hoặc dư thừa Iode trong khẩu phần ăn hằng ngày. Ảnh: Một số thực phẩm giàu Iode. 

Ở một số vùng do người dân sử dụng nước ngầm có chứa nhiều chất disulfure để uống cũng có thể gây ra bệnh bướu cổ. Do disulfure ức chế sự hữu cơ hoá trong quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp và gây ra tình trạng tăng thể tích tuyến giáp.

Tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng, đặc biệt là thiếu vitamin A cũng gây ra hiện tượng rối loạn sinh tổng hợp hormon tuyến giáp và cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bướu cổ. Chính vì vậy, trong khẩu phần ăn của những bệnh nhân bị bướu cổ, phải chú ý bổ sung đủ lượng vitamin A.

Nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh bướu cổ liên quan đến chế độ dinh dưỡng chính là tình trạng thiếu hoặc dư thừa iode trong khẩu phần ăn hằng ngày. Việc thiếu hụt iode, ngoài gây ra bệnh bướu cổ còn gây nên tình trạng đần độn ở trẻ em, đặc biệt ở các vùng núi cao.

Tuy nhiên, nếu cung cấp quá nhiều iode trong khẩu phần ăn hằng ngày một thời gian dài cũng đưa đến tình trạng gia tăng bướu cổ. Chính vì vậy, ở các thành phố lớn, các vùng ven biển… nơi mà trong bữa ăn hằng ngày của người dân đã có hàm lượng iode đủ cho hoạt động sinh tổng hợp hormon của tuyến giáp, không cần phải cho thêm iode vào trong muối ăn vì lợi bất cập hại.

Ngoài thức ăn ra, một số loại thuốc để chữa các bệnh về rối loạn thể chất hay một số thuốc tim mạch do chứa nhiều iode cũng có thể gây ra bệnh bướu cổ hoặc thúc đẩy bệnh bướu cổ tiến triển nhanh hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên Cao cấp Đại học Y Dược TPHCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top