Phòng học có thể bố trí, nhưng không thể thêm giáo viên
Theo kế hoạch, học sinh từ cấp THCS ở nhiều tỉnh thành, trong đó có Thủ đô Hà Nội sẽ bắt đầu đi học trở lại từ ngày 4/5 sau thời gian dài nghỉ học do dịch Covid-19. Học sinh ở cấp học tiểu học và mầm non sẽ đi học muộn hơn.
Trong hướng dẫn các địa phương về việc chuẩn bị điều kiện để cho học sinh trở lại trường học, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đề nghị, mỗi học sinh phải được bố trí chỗ ngồi đảm bảo giãn cách tối thiểu 1,5m. Những lớp có sĩ số quá đông phải tách làm đôi, đảm bảo trong mỗi phòng không quá 20 học sinh.
Quy định này đã khiến nhiều trường lúng túng trong triển khai, nhất là đối với các trường ở Hà Nội, sĩ số mỗit lớp có khi lên tới 40 - 50.
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Hà Nội chia sẻ: "Việc bố trí học sinh dưới 20 học sinh trong một phòng học là rất khó khăn. Phòng học thì vẫn có thể bố trí thêm, khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, giáo viên thì không thể có thêm. Hiện tại, chúng tôi đang sắp xếp thời khóa biểu cho các thầy cô, chưa biết là có thể thực hiện được hay không”.
Bởi vì, có những thầy cô từ 20 tiết sẽ tăng lên tới 40 tiết/tuần, sẽ rất khó trong việc sắp xếp thời khóa biểu. Ngay kể cả sắp xếp được thì cũng chỉ duy trì được từ 1 - 2 tuần chứ khó mà kéo dài hơn. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như thế này lại càng rất khó khăn.
Để khắc phục trường hợp thiếu phòng học, ông Hiệp cho biết, nhà trường sẽ phải bố trí cho học sinh học kết hợp giữa học trực tiếp và học online, làm sao vẫn đảm bảo khuyến cáo về giãn cách của Bộ Y tế. Đối với các khối 6, 7, 8, sẽ vẫn cho học 3 buổi/tuần. Còn lớp 9 vẫn ưu tiên học đầy đủ các buổi, học luân phiên,
Cũng chỉ có thể thực hiện học 2 ca, chứ không thể học 3 ca bởi còn liên quan tới rất nhiều vấn đề từ quản lý đến việc đảm bảo an toàn như đo nhiệt độ, ghi nhật ký…
Ông Hiệp cho biết, tuy các giáo viên phải tăng giờ dạy, nhưng hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc trả thêm phụ cấp. Trong giai đoạn này nhà trường sẽ động viên tất cả các thầy cô chung tay khắc phục khó khăn.
Duy trì kết hợp học trực tiếp và trực tuyến
Bà Ngô Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn, Hà Nội chia sẻ, nhà trường cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện an toàn để đón học sinh đi học trở lại.
Đối với quy định sĩ số không quá 20 học sinh một lớp, đã là quy định, thì phải thực hiện, để đảm bảo an toàn trong việc phòng chống dịch và học sinh có thể đến trường.
Nhưng cũng giống như chia sẻ của Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, để thực hiện được yêu cầu đó thì khó khăn rất nhiều. Vì số tiết của giáo viên tăng lên, giáo viên đang từ dạy một lớp thì sẽ thành dạy hai lớp.
Cho nên, giải pháp vẫn phải kết hợp giữa học trên lớp với học trực tuyến mới đảm bảo được hoàn thành chương trình.
Học sinh sẽ được học đều tất cả các môn. Chỉ có giảm số tiết ở các môn.
Thực tế, qua 3 tháng học trực tuyến, học sinh cũng đã quen và việc học cũng bắt đầu có hiệu quả, giờ kết hợp với học trực tiếp không vấn đề gì. Nếu cả giáo viên và học sinh cùng cố gắng, thì sẽ vượt qua được.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất theo bà Thảo là làm sao để học sinh tuân thủ đúng những quy tắc an toàn trong việc phòng tránh dịch. Phải tuyên truyền, vận động, giám sát học sinh đi đến nơi, về đến chốn, không tụ tập đông người.
Bởi nếu ngoài giờ học, học sinh vẫn không thực hiện đúng khuyến cáo an toàn phòng dịch thì những nỗ lực giãn cách trong lớp học cũng không có nhiều ý nghĩa.
“Việc này khó. Bởi vì là con người chứ không phải đồ vật xếp ở đâu thì sẽ ở yên đó. Nhưng an toàn phòng dịch sẽ đưa lên số 1, khó cũng phải làm. Việc giãn cách tùy thuộc vào cơ sở vật chất của từng trường, sẽ không có một khung chung. Nhưng vẫn trên nguyên tắc giãn học sinh và đảm bảo chương trình, đảm bảo an toàn là những yếu tố quan trọng nhất”, bà Thảo chia sẻ.
Liên quan tới những phản ánh khó khăn của các trường trong việc thực hiện giãn cách khi học sinh quay trở lại trường, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch dạy học theo các giai đoạn.
Theo đó, 1 - 2 tuần đầu tiên trở lại trường, có thể vẫn phải duy trì dạy học xen kẽ, hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Nội dung dạy học phải thay đổi theo. Học sinh sẽ phải nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu, thực hiện yêu cầu học tập ở nhà theo hướng dẫn của giáo viên. Thời gian đến lớp để giáo viên giải đáp thắc mắc, giúp học sinh hiểu kỹ bài hơn, tổ chức luyện tập phần kiến thức đã học trực tuyến.
“Như vậy sẽ giảm bớt thời gian tiết học. Nội dung kiến thức lẽ ra dạy 2 tiết/lớp thì với cách điều chỉnh này có thể chỉ là 1 tiết, chia theo 2 ca học. Thời gian lao động của giáo viên sẽ được cân đối giảm bớt" - ông Thành nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, khoảng cách 1,5m là khuyến cáo của Bộ Y tế, còn Bộ GD&ĐT chỉ hướng dẫn các nhà trường tùy theo điều kiện, bố trí chỗ ngồi giữa hai học sinh có khoảng cách phù hợp để đảm bảo an toàn. Bộ GD&ĐT không quy định cứng phải đảm bảo đúng khoảng cách 1,5m. Đây là khuyến cáo để các nhà trường căn cứ vào đó có các giải pháp triển khai.