Khai mở lục căn để trẻ hóa và tăng cường các giác quan

(khoahocdoisong.vn) - Lục căn là các giác quan quan trọng. Với việc dùng các kỹ thuật tập luyện đại dưỡng công có thể khai mở lục căn, giúp trẻ hóa và duy trì chức năng của các giác quan khi về già.

Căn là chỗ nương tựa, làm gốc cho những cái khác nảy nở, tạo thành. Lục căn gồm có: Nhãn là mắt; Nhĩ là tai; Tỷ là mũi; Thiệt là lưỡi; Thân là da dùng để nhận biết những cảm giác; Ý là tư tưởng.

Việc giữ cho 6 căn hoạt động tốt là rất khó, nhất là qua tuổi trung niên. Có người chỉ mới ngoài 30 tuổi đã mắt kém, tai lãng, miệng ăn không ngon, mũi không phân biệt được mùi, hay đau đầu… Đó là các chức năng của các bộ phận đã bị suy giảm, có bệnh.

Để phòng ngừa sự suy giảm của lục căn, duy trì hoạt động tốt và phục hồi chức năng đối với những người đã suy giảm... hãy thực hiện công pháp “khai mở lục căn” bằng các kỹ thuật: vỗ - đập – dần-  rung – xoay – vê – án – giật – vuốt – bóp – miết – xoa theo pháp đại dưỡng công - công phu xoa bóp như sau:

Chuẩn bị: Ngồi kiết già hoặc bán kiết già. Kê một cái gối hoặc đệm khoảng 5cm vào mông, chỗ để chân không kê (giúp thẳng cột sống). Tinh thần thư thái, hơi thở nhẹ nhàng. Trừ động tác nhìn xa còn lại đều ngồi yên, đầu, lưng thẳng.

Các động tác xoa nhớ làm nóng bàn tay hoặc ngón tay (dùng để xoa) trước khi xoa (bằng cách xát hai bàn tay với nhau) để làm phát sinh tĩnh điện. Đối với vùng mặt không nên xoa quá mạnh, chỉ nên xoa nhẹ mà vừa phải, chủ yếu sử dụng tĩnh điện và ý niệm để xoa. Khi day ấn huyệt nhớ tìm đúng vị trí, ấn vào đến khi đau, tức mới day, 5 - 7 lần thì nới nhẹ tay ra và làm lại.

1. Khai mở nhãn căn

- Vận động nhãn cầu: Gồm liếc mắt trái phải, trên, dưới nhiều lần, xoay tròn ổ mắt theo chiều thuận và ngược kim đồng hồ nhiều lần.

- Nhìn xa: Nhìn không gian, để thấy biết tất cả, mây trời, sông nước, cỏ cây trong sự rỗng lặng, thanh tịnh của tâm hồn.

- Nhìn gần: Để ngón tay trỏ của tay trái cách ấn đường (huyệt giữa 2 mắt). Khi hít vào từ từ để ngón tay lại gần, khi thở ra, đưa ngón tay ra 20cm. Khi thấy ấn đường hơi tức là được.

- Nhiếp thị ngưng thần: Ngón cái bấm chặt lỗ tai, ngón giữa bấm huyệt thái dương (chỗ lõm giữa 2 xương gò má phía trên), 2 ngón trỏ bấm ụ sau gáy. Các giác quan hướng về bản thể của mình, ta sẽ cảm thấy thanh tịnh, sâu lắng và bình yên.

- Xoa mống mắt: Dùng 2 ngón trỏ 2 tay xoa tròn viền mi quanh mắt nhiều lần.

2. Khai mở nhĩ căn

- Dùng 2 bàn tay xoa nóng 2 vành tai. Tiếp tục dùng 2 lòng bàn tay áp vào loa tai nhiều lần làm màng nhĩ rung động, tạo nên âm thanh như tiếng gió, tiếng mưa, tiếng ve…

- Dùng 2 lòng bàn tay bịt chặt lỗ tai và dùng 2 ngón trỏ và giữa của 2 tay gõ vào u xương ngọc chẩm phía sau gáy sẽ tạo ra âm thanh vang vọng như tiếng trống.

- Vuốt các huyệt đạo ở phía trước và sau loa tai.

3, Khai mở tỵ căn

- Dùng ngón cái bịt từng bên mũi, chỉ thở một bên để tăng cường sức thở và sấy nóng đường hô hấp. Làm nhiều lần.

- Dùng ngón cái 2 tay day đầu mũi cho ấm nóng lên.

- Xoa 2 bàn tay cho ấm nóng lên (đặc biệt là mô cái) rồi vuốt nhẹ trên mũi nhiều lần cho nóng lên

- Dùng 2 đầu ngón tay cái day huyệt nghinh hương (chỗ lõm giữa sống mũi và viền lỗ mũi) cho nóng lên

4. Khai mở khẩu căn

- Gõ răng: 2 hàm răng gõ vào nhau nhiều lần

- Nhai khan: Nhai như nhai vật dai, cứng

- Day: Hai hàm răng cắn chặt vào nhau và day theo chiều ngang, răng trượt lên nhau

- Ngáp: Ngáp to, khi ngáp dướng cột sống lên

5.  Khai mở thân căn

- Đan 2 ngón tay vào nhau và đẩy về trước ngực nhiều lần. Cũng như vậy đẩy lên trời nhiều lần

- 2 bàn tay để mở, ngón tay hướng lên trên và đẩy sang 2 bên vai nhiều lần.

- 2 bàn tay ép xuống đất nhiều lần về phía trước, mũi bàn tay hướng về phía trong.

- 2 bàn tay ép xuống đất nhiều lần về phía sau, mũi bàn tay hướng về phía trong.

6. Khai mở ý căn

- Vỗ: Dùng 4 ngón tay vỗ nhẹ theo đường từ giữa 2 mắt đến ụ chẩm sau gáy nhiều lần.

- Gõ: Dùng 10 đầu ngón tay gõ nhẹ khắp đầu nhiều lần.

- Giác: Dùng 10 đầu ngón tay trải ngược trên đầu từ trước ra sau, từ trong ra ngoài nhiều lần

- Xoa: Dùng 2 lòng bàn tay xoa cho nóng lên rồi áp vào mặt cho các giác quan ấm lên va xoa ngược về sau gáy.

BS.VS Nguyễn Văn Thắng (Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo)

Theo Đời sống
back to top