Chỉ số SPF cao có thể gây phản ứng phụ
Theo BS Lương Trường Sơn, Phụ trách Phòng khám Da liễu Đồng Diều, TPHCM, ánh nắng là kẻ thù đối với da, bởi trong ánh nắng có chứa tia UV có thể khiến da bị tổn thương. Khi da bị nắng chiếu vào có thể dẫn đến tình trạng bị khô, mỏng, nám, nhăn, tăng nguy cơ ung thư cũng như già đi. Kem chống nắng cũng là sản phẩm giúp thu hút, phản chiếu, làm tan tia nắng chiếu vào người, từ đó giảm thiếu nguy cơ cho da.
Theo định mức quốc tế thì một SPF có thể chống nắng trong khoảng 10-15 phút, vì kem chống nắng có SPF cao hơn nên thường lưu lại trên da lâu hơn. Nhưng thực ra phía sau đó cũng có nhưng phản ứng phụ mà nhiều người không biết.
Cụ thể, BS Lương Trường Sơn cho hay, về nguyên tắc, kem chống nắng có chỉ số SPF càng cao thì sự bảo vệ sẽ càng bền vững, độ gắn kết vào da sẽ lâu hơn. Nhưng như một lớp băng dính bảo vệ da phía ngoài khỏi tác nhân của ánh nắng mặt trời thì quá trình bít kín da cũng sẽ tăng. Vì thế, da sẽ bị giảm quá trình hô hấp, tăng các nguy cơ dị ứng, bao gồm việc làm cho da bị tổn thương như bít lỗ chân lông, nổi mụn, đổi màu da…
“Khi kem liên kết quá lâu để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời thì bên cạnh đó cũng sẽ làm tăng khả năng phản ứng giữa chất hóa học của kem với tế bào sống của da, từ đó gây ra tác dụng phụ. Quá trình phản ứng này sẽ tạo ra các gốc tự do và làm thay đổi màu sắc da. Đây được gọi chung là “viêm vô khuẩn” tại chỗ, hay còn gọi là hiện tượng phản ứng của miễn dịch với các dị nguyên (các chất hóa học, thảo dược đưa từ ngoài cơ thể vào)”, BS Lương Trường Sơn phân tích.
“Với những người vốn đã có cơ địa bị đồi mồi, tàn nhang, kem chống nắng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng tăng sản nhưng ngược lại nếu dùng kem có chỉ số SPF cao thường xuyên lại có thể làm tăng trở lại”, BS Lương Trường Sơn cho biết thêm.
Không cần quá phụ thuộc kem chống nắng
Ở góc độ khác, vị chuyên gia này cũng cho hay, kem chống nắng chỉ số cao không có nghĩa chống nắng được hơn một cách khác biệt mà đôi khi chỉ nhỉnh hơn vài %. Ví dụ, kem chống nắng có chỉ số SPF 15 đã chống khoảng 93% tia UV, còn SPF 30 khoảng 97%, SPF 50 khoảng 98%, SPF 100 khoảng 99%. Với vài % có thể bảo vệ thông qua nhiều cách khác nhau như đội nón, mặc quần áo, đeo kính…
Những người chỉ đi lại ngoài nắng không lâu, nếu dùng kem chỉ cần SPF 15 – 30, cao nhất là 50, không nhất thiết phải dùng kem chống nắng SPF 70 hay 100. Với chỉ số này, kem vừa đủ bảo vệ da mà ít tác dụng phụ. Sau khi đi nắng về, nhất là chiều tối, nên tắm rửa sạch sẽ để làm sạch lớp kem, giúp da được hô hấp, không gây ra các phản ứng hóa học khác.
Đặc biệt, không nên lạm dụng, phụ thuộc vào kem chống nắng quá mức. Ví dụ như đi loay quanh nhà, đi ra được một lúc là về thì chỉ cần đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, mặc quần áo kín (vải có thành phần chống tia UV càng tốt).
“Nhiều người nghĩ rằng SPF 100 phải tốt gấp đôi so với SPF 50, nhưng thực tế chúng không khác nhau là mấy. Vì thế, ở nhiều nơi, ngưỡng cao nhất của SPF là 50+. Điều này giúp người tiêu dùng không mất chủ quan mà dùng sản phẩm chống nắng sai cách” – Chị Đỗ Anh Thư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa’s Garden.
Hiền Dung