Ích trí nhân là cây mọc hoang, được trồng phần nhiều vùng rừng núi trung du, thượng du Việt Nam. Ích trí nhân có vị thơm cay, tính ấm, vào tỳ, tâm, thận có tác dụng kiện tỳ, khai vị, ôn thận cố tinh súc niệu. Chủ trị chứng tiết tả, đau bụng lạnh, mồm nhiều nước rãi, di tinh, đái dầm, băng lậu.
Để làm thuốc nên chọn hạt quả già khi phơi khô to bằng đầu ngón tay út, có màu vàng nâu, nhiều dầu thơm, hạt chắc, không ẩm, mọt là tốt. Ngày dùng từ 4 – 12g. Dưới đây là một số bài thuốc:
Trị tỳ và thận có hư nhiệt, tâm khí không thông, tiểu đục, tinh yếu: Ích trí nhân, phục thần, phục linh lượng bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 8 - 12g.
Trị khí của bàng quang suy yếu, tiểu nhiều, tiểu không tự chủ: Ích trí nhân, ô dược 2 vị bằng nhau, tán bột; Hoài sơn làm hồ, viên to bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 30 viên với nước sôi, lúc đói.
Trị bạch trọc, nước tiểu đục như nước vo gạo kèm bụng đầy: Ích trí nhân tẩm với nước muối cho kỹ, sao. Lại dùng nước gừng sống tẩm hậu phác rồi sao. Hai vị bằng nhau, thêm gừng 3 lát, táo 1 quả sắc uống nóng.
Trị tiểu nhiều lần và trẻ em đái dầm: Ô dược, ích trí nhân, hoài sơn, khiếm thực (chưng rượu), lượng bằng nhau. Tán bột làm hoàn ngày uống 8 - 12g/3 lần.
Trị trẻ em hay chảy nước dãi nhiều (do tỳ vị hư hàn): Ích trí nhân, đảng sâm, bán hạ, quất bì, xa tiền tử mỗi thứ 12g; Phục linh 16g, sắc uống.
Trị tiêu chảy (do tỳ thận hư): Ích trí nhân, hoài sơn, kha tử nhục, mỗi thứ 12g; mộc hương, tiểu hồi, can khương, trần bì, ô mai, mỗi thứ 6g tán nhuyễn, trộn với hồ làm hoàn. Ngày uống 4 - 6g/3 lần.
Ích trí nhân dùng với thuốc có vị thơm thì vào phế, dùng với thuốc bổ khí thì vào tỳ, nấu với nước muối thì vào thận. Ba tạng này có quan hệ với nhau. Nếu dùng vào thuốc bổ thì nên tùy bệnh mà gia giảm, nhưng không nên dùng nhiều.
Kiêng kỵ: Bệnh thực hỏa, các bệnh do hỏa nghịch lây không nên dùng.